Nâng hiệu quả quản lý biên giới Việt-Lào trong tình hình mới

Hai nước đã xây dựng Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào nhằm tiếp tục hoàn thiện chất lượng đường biên giới, nâng hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới.
Nâng hiệu quả quản lý biên giới Việt-Lào trong tình hình mới ảnh 1Chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn Sen Bụt (Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị) tại cột mốc biên giới 579 trên tuyến biên giới Việt-Lào. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức hội nghị giới thiệu Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và Văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam-Lào cho các cơ quan báo chí và các bộ, ngành.

Giới thiệu về kết quả Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, ông Thái Xuân Dũng, Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, nhấn mạnh từ năm 2004, cơ quan biên giới hai nước đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hữu quan xây dựng Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào nhằm tiếp tục hoàn thiện chất lượng đường biên giới, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới.

Nội dung chính của Dự án gồm tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường kiên cố, vững chắc và khang trang; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam-Lào.

Sau sáu năm triển khai từ năm 2008 đến cuối tháng 6/2013, dự án xây dựng được 834 cột mốc tại 792 vị trí mốc và cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí đường biên giới.

Giai đoạn từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2014, hai bên phối hợp xây dựng, nâng tổng số vị trí mốc và cọc dấu trên toàn tuyến lên 905 vị trí, tương ứng với 1.002 mốc và cọc dấu; hoàn thành đo tọa độ và độ cao bằng máy GPS hai tần số đối với 1.002 mốc quốc giới và hơn 70 điểm kiểm tra đặc trưng địa hình khác; hoàn thành việc đo đạc để bổ sung cập nhật lên bộ bản đồ số đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào các đoạn đường tuần tra biên giới mới thi công, đồng thời xử lý 70 điểm sai phạm khi thi công đường tuần tra biên giới làm biến dạng phá vỡ địa hình, địa vật, giúp nhận biết đường biên giới…

Về công tác quản lý biên giới, Vụ trưởng Thái Xuân Dũng cho biết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý biên giới sau phân giới cắm mốc, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào."

Văn kiện pháp lý này mô tả đầy đủ, chính xác đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, tăng cường, củng cố phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục