Nắng nóng tại Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm

Từ tháng 5-9/2024, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tại Bắc Bộ, Trung Bộ; số đợt nắng nóng ở các khu vực phổ biến dự báo cao hơn trung bình nhiều năm.

Các đợt nắng nóng trong năm 2024 dự báo sẽ gay gắt hơn. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Các đợt nắng nóng trong năm 2024 dự báo sẽ gay gắt hơn. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Nhận định về tình hình nắng nóng, nguồn nước và hạn hán từ tháng Năm đến tháng Chín năm 2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tình trạng hạn hán ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Cùng với đó, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối và nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá.

Tháng 5/2024, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn.

Tháng Sáu cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng Bảy đến tháng Chín, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ C.

Từ tháng Năm đến tháng Bảy , nắng nóng tiếp tục xuất hiện tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.

nang nong2024.jpeg
Khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tại Bắc Bộ và Trung Bộ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Dự báo số đợt nắng nóng ở các khu vực phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (khu vực Tây Bắc khoảng 4-5 đợt, khu vực Đông Bắc 3-4 đợt, Đồng bằng Bắc Bộ từ 6-8 đợt, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế từ 7-9 đợt, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ 4-6 đợt và khu vực Tây Nguyên từ 3-4 đợt).

Mùa mưa tại khu vực Tây Bắc bắt đầu vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm, các khu vực khác ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ giữa tháng Năm.

Mùa mưa tại Tây Nguyên xuất hiện từ nửa đầu tháng Năm. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Trung Bộ (từ tháng Chính đến tháng Mười Một) có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, tổng lượng mưa từ tháng Năm đến tháng Tám tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng Chín, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa tháng Năm tại khu vực Trung Bộ phổ biến thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Tháng Sáu phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng Bảy, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng mưa tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng Tám, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực từ Nam Nghệ An đến Đà Nẵng tổng lượng mưa cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Tháng Chín, tổng lượng mưa ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm.

Tháng 5/2024, tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng từ 10-30%.

Tháng Sáu, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Từ tháng Bảy đến tháng Chín, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

mua mua.jpg
Tháng Sáu, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng hạn hán ở khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục đến nửa đầu tháng Năm, sau đó có khả năng giảm dần.

Riêng phía Nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng Năm. Các tỉnh khu vực phía Bắc của Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ hạn hán tiếp tục ảnh hưởng từ tháng Năm đến tháng Bảy, sau đó có xu thế giảm dần.

Trong tháng Năm, chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ tiểu mãn ở khu vực Bắc Bộ. Từ tháng Năm đến tháng Chín, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy đến hồ Thác Bà trên sông Chảy và đến hồ Tuyên Quang trên sông Gâm có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng Năm đến tháng Chín, lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, sông Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), các sông ở Bình Định, Bắc Bình Thuận ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Các sông khác ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên mức thấp hơn từ 15-55% so với trung bình nhiều năm. Riêng dòng chảy trên sông Bến Hải (Quảng Trị), sông Ba (Phú Yên) và sông La Ngà (Nam Bình Thuận) thấp hơn trung bình nhiều năm từ 65-80%.

Tổng lượng dòng chảy đến các hồ thủy điện vừa và lớn trên các hồ chứa thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng như sau:

Trên các lưu vực, sông Mã thấp hơn từ 10-35%; sông Cả ở mức thấp hơn từ 10-40%; sông Hương thấp hơn từ 20-34% so với trung bình nhiều năm.

Trên các lưu vực, sông Vu Gia-Thu Bồn thấp hơn từ 12-25%; sông Trà Khúc thấp hơn 15-20%; sông Kôn, sông Ba thiếu hụt 15-35%; sông Sê San cao hơn 2-12% so với trung bình nhiều năm. Riêng hồ Ialy thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15%.

Tổng dòng chảy trên lưu vực sông Srêpôk và lưu vực sông Đồng Nai ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục