Nâng tổng kim ngạch thương mại Việt-Ấn lên 15 tỷ USD vào năm 2020

Thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam-Ấn Độ đang có xu hướng giảm, hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nâng tổng kim ngạch thương mại Việt-Ấn lên 15 tỷ USD vào năm 2020 ảnh 1Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ trao đổi về sản phẩm dệt may. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)

Tại Chương trình giao lưu thương mại Việt Nam-Ấn Độ, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định một trong những tín hiệu tích cực của quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Ấn Độ là thâm hụt cán cân thương mại song phương đang có xu hướng giảm.

Theo ông Võ Tân Thành, Ấn Độ hiện nằm trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 1 tỷ USD năm 2006 lên hơn 5,6 tỷ USD năm 2014.

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam-Ấn Độ đạt hơn 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam-Ấn Độ đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ không chỉ là một thị trường rộng lớn với quy mô hơn 1,2 tỷ người mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu. Ông Arun Kumar Saraf, Chủ tịch Phòng Thương mại MCCI Kolkata (Ấn Độ) cho biết, Chính phủ Ấn Độ đánh giá cao vai trò của ASEAN trên trường quốc tế, do đó đã chuyển "Chính sách hướng Đông" thành chiến lược "Hành động phía Đông."

Song song với đó, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và ASEAN, trong đó Việt Nam là một điểm đến quan trọng và hấp dẫn.

Nhằm chuẩn bị tốt cho việc thâm nhập thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, Liên đoàn Công nghiệp Bang Gujarat (FGI) phối hợp cùng Phòng Thương mại MCCI Kolkata (Ấn Độ) đã tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại sang Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ gồm hơn 30 công ty sản xuất, xuất khẩu trong nhiều lĩnh vực như máy móc, thiết bị điện, năng lượng, dầu khí, dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, khoáng sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại.

Ông Janak Sheth, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Bang Gujarat (FGI), nhấn mạnh Việt Nam là một điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn trong khu vực ASEAN, nên doanh nghiệp Ấn Độ sang Thành phố Hồ Chí Minh lần này kỳ vọng tìm kiếm được cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường cũng như gặp gỡ đối tác để tiến đến những hợp đồng đầu tư, thương mại lâu dài.

Mặt khác, doanh nghiệp Ấn Độ còn mong muốn mời gọi được doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh sang thị trường nước này, trong đó, một số lĩnh vực tiềm năng tại Ấn Độ mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác như nông nghiệp, thực phẩm, chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, khai khoáng...

Đồng quan điểm, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức xúc tiến Việt Nam và Ấn Độ đã triển khai Chương trình giao lưu thương mại hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Đơn cử, thông qua Chương trình giao lưu thương mại lần này, hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối, nắm bắt nhu cầu thị trường, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, giao thương giữa hai bên trong thời gian tới.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Ấn Độ là đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Ấn Độ đạt 184,735 triệu USD (tăng 3,31% so với cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 356,932 triệu USD (tăng 9,06%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục