Nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa để giảm áp lực cho đường bộ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên ít nhất là 50%, giúp giảm chi phí logistics, giảm tai nạn đường bộ.

Hàng hóa qua cảng Bình Dương, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Hàng hóa qua cảng Bình Dương, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Việt Nam có lợi thế về bờ biển, hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa nhưng chưa khai thác hiệu quả. Thời gian tới, phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên ít nhất là 50% để khai thác thế mạnh đường thủy, giảm áp lực cho đường bộ.

Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đặt ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa tổ chức chiều 22/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị này để các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, tìm ra những giải pháp thiết thực để tận dụng thế mạnh như hệ thống bờ biển dài, hệ thống cảng đa dạng, đường thủy nội địa phong phú ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Hiện nay, thị phần đường bộ chiếm tới 80% hàng hóa và gần 100% hành khách. Dù cố gắng đầu tư nhưng kết cấu đường bộ còn nhiều bất cập. Trong khi đó, hệ thống đường thủy, hàng hải rất tốt ở cả 3 miền chưa khai thác hiệu quả.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề thời gian tới phải nâng tỷ trọng vận tải hàng hải, thủy nội địa lên ít nhất là 50%. Nếu làm được điều này sẽ giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, giảm tai nạn giao thông ở đường bộ.

Bộ Giao thông Vận tải mong muốn nhận thêm góp ý về các vấn đề phát triển vận tải biển, từ đó đề ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Việt Nam có lợi thế bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc. Ngành hàng hải và đường thủy nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hóa với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.

Thực tế cho thấy phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Việt Nam hiện nay có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.

ttxvn_cang bien 2.jpg
Hàng hóa qua cảng Đồng Nai, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đội tàu Việt Nam đã có sự phát triển nhanh trong thời gian gần đây, tổng tải trọng tăng 42% sau 6 năm qua (từ 7,58 triệu DWT lên 10,7 triệu DWT).

Đội tàu biển Việt Nam đảm nhận 100% sản lượng nội địa và 6-8% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỷ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ, trong khi xu thế thế giới ngày càng dùng tàu trọng tải lớn và container hóa.

Chia sẻ về hoạt động vận tải container, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An chia sẻ thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít. Để duy trì phát triển đội tàu Việt Nam, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó cần ưu tiên phát triển tàu có tải trọng từ 1.700 TEU.

Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển đội tàu của doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container; lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao và chi phí thuế giá trị gia tăng (VAT) nhập khẩu tàu là 10%.

Ông Vũ Thanh Hải đề xuất cần có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container. Miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thuê hoặc thuê mua container.

ttxvn_cang bien 3.jpg
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Phước Long ICD, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong khi đó, theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, phương tiện vận tải thủy kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên. Hiện đa số công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Bởi vậy, cần bổ sung danh mục phương tiện và Nhà nước ưu tiên tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng diễn biến khó lường về các xung đột cũng như thời tiết trên thế giới hiện nay dẫn đến những khó khăn, thách thức đối với ngành vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa. Vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa để hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa là rất cần thiết.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Điều này nhằm hướng đến khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa giúp giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải, đồng thời phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, nhất là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục