NATO điều động thêm tàu và máy bay chiến đấu đến Đông Âu

NATO sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ và ủng hộ các nước đồng minh, trong đó có việc củng cố sườn phía Đông của khối quân sự này.
NATO điều động thêm tàu và máy bay chiến đấu đến Đông Âu ảnh 1Tàu chiến NATO trong một cuộc diễn tập. (Ảnh minh họa. Army Now)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và tiếp tục củng cố lực lượng ở vùng Đông Âu, điều động thêm các tàu và máy bay chiến đấu đến vùng này.

Đây là thông báo mới nhất của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra ngày 24/1.

Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết NATO cũng hoan nghênh nếu các đồng minh muốn bổ sung lực lượng cho chiến dịch này. NATO sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ và ủng hộ các nước đồng minh, trong đó có việc củng cố sườn phía Đông của khối quân sự này.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga đưa quân đến gần biên giới Ukraine để chuẩn bị cho hành động quân sự. Moskva đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh Nga có quyền điều động lực lượng bên trong lãnh thổ của mình.

Ukraine hiện chưa phải là thành viên NATO nhưng một số nước láng giềng của nước này như Ba Lan là một thành viên khối quân sự này.

[NATO dự kiến tổ chức vòng đàm phán lần thứ hai với Nga]

Trong những ngày gần đây, Đan Mạch đã cử một khinh hạm và các máy bay chiến đấu đến khu vực Baltic, trong khi Tây Ban Nha tăng cường triển khai hải quân và Hà Lan đặt "một tàu và các đơn vị trên đất liền ở chế độ trực chiến."

Trước đó, báo New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc điều động hàng nghìn binh sỹ tới các nước đồng minh NATO ở Đông Âu.

Về vấn đề này, phát biểu ngày 24/1, nghị sỹ Andrei Kartapolovm, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Nga, cho biết nước này sẽ phản ứng phù hợp nếu Mỹ triển khai thêm lực lượng ở Đông Âu và các nước vùng Baltic.

Ngày 23/1, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) Stanislav Zas cũng cho rằng hoạt động quân sự của NATO gần biên giới của CSTO ở Đông Âu không góp phần tăng cường an ninh trong khu vực mà là nguy cơ.

CSTO cũng kêu gọi giảm mức độ đối đầu, căng thẳng, hoạt động quân sự hiện nay và tìm kiếm các cách thức khác để đảm bảo an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục