NATO không thể dựa vào lá chắn do Mỹ xây dựng để bảo vệ châu Âu

Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho biết NATO không thể vẫn dựa vào lá chắn do Mỹ xây dựng nhằm bảo vệ châu Âu.
NATO không thể dựa vào lá chắn do Mỹ xây dựng để bảo vệ châu Âu ảnh 1Hệ thống lá chắn tên lửa AEGIS Ashore của Mỹ tại căn cứ Deveselu, Tây Nam Bucharest, Romania. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hãng tin Reuters dẫn các ý kiến của các chuyên gia và nhà ngoại giao cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham giam vào các nỗ lực ngoại giao của các cường quốc trên thế giới nhằm ngăn chặn các chương trình tên lửa của Triều Tiên, song tổ chức này không thể vẫn dựa vào lá chắn do Mỹ xây dựng nhằm bảo vệ châu Âu.

Nhà phân tích về phòng thủ tên lửa Michael Elleman thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng "lá chắn tên lửa NATO hiện nay thiếu tầm với và các radar cảnh báo sớm để bắn hạ các tên lửa Triều Tiên. Đó là một điểm yếu. Việc theo dõi sớm cũng khó khăn do tên lửa của Triều Tiên sẽ bay qua Nga, nơi mà NATO rõ ràng không thể đặt các radar."

 

Các chuyên gia vũ khí cho rằng loại vũ khí đánh chặn cần thiết để bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể vi phạm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời hậu Xô Viết giữa Nga và Mỹ, do vũ khí này có tầm bắn xa hơn.

[NATO kêu gọi một biện pháp đáp trả toàn cầu đối với Triều Tiên]

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là mạnh nhất của Triều Tiên, hai nhà ngoại giao cấp cao của NATO nói với hãng tin Reuters rằng việc phòng thủ trước mối đe dọa Triều Tiên chỉ đang bắt đầu được xem xét tại trụ sở của liên minh quân sự này.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao thứ 3 của NATO cho biết dù các nhà phân tích không cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng tin cậy sớm nhất là cho tới năm sau, các đồng minh tại châu Âu của NATO có thể trở thành một mục tiêu, như một cách để Triều Tiên đe dọa Mỹ, đồng minh gần gũi nhất của NATO. Song nhà ngoại giao này nhấn mạnh điều này chỉ là đồn đoán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục