NATO muốn Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển

Theo quy định của NATO, việc kết nạp thành viên mới cần sự thông qua của tất cả 31 thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện là 2 quốc gia thành viên chưa phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập tổ chức này.

(Từ trái sang) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc gặp ở Vilnius, Litva ngày 10/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(Từ trái sang) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc gặp ở Vilnius, Litva ngày 10/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/11, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg, mong muốn Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trì hoãn thêm việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Trả lời phỏng vấn của trang web Index.hu (Hungary) cùng ngày, ông Stoltenberg cho biết Chính phủ Hungary đã nhiều lần khẳng định nước này sẽ không phải là thành viên cuối cùng phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập của Thụy Điển, đồng thời mong muốn Budapest sớm thực hiện cam kết của mình.

Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, nhưng chỉ có Phần Lan được kết nạp vào tháng Tư.

Theo quy định của NATO, việc kết nạp thành viên mới cần sự thông qua của tất cả 31 thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện là hai quốc gia thành viên còn lại của NATO chưa phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập tổ chức này.

Ngày 23/10 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức trình lên Quốc hội nước này hồ sơ của Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thông báo thời gian tiến hành bỏ phiếu cụ thể về vấn đề trên.

Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo sẵn sàng hoãn chính thức phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bảo đảm của Mỹ về việc cung cấp chiến đấu cơ F-16.

Trong khi đó, dù Chính phủ Hungary đã đệ trình một dự luật liên quan lên Quốc hội vào mùa Hè năm 2022, song các nhà lập pháp nước này đã hoãn xem xét dự luật do những bình luận được cho là “không thân thiện” của các chính khách Thụy Điển về Hungary./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục