Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử do một doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ở thành phố Plzen. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, kết quả báo cáo phân tích so sánh Europe 2020 Competitiveness Report do tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển là Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, cho thấy rằng Séc đã tụt hai bậc so với năm 2012 và đứng thứ 18 ở châu Âu về khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó Phần Lan, Thụy Điển và Hà Lan lọt vào tốp 3 dẫn đầu.
Cuộc điều tra được tiến hành hai năm một lần nhằm làm rõ bước tiến của các quốc gia châu Âu trong quá trình đạt tới những mục tiêu được đề ra trong chiến lược châu Âu 2020.
Đài Radio Prague nhận định rằng EU trong thời gian qua đã không đạt được những tiến bộ lớn nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác của thế giới.
Ngay trong chính EU chỉ số về khả năng cạnh tranh của các thành viên cũng có sự chênh lệch lớn. EU đã thực hiện bước tiến quan trọng tới sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn chưa làm được những cuộc cải cách có tính nguyên tắc liên quan đến việc hỗ trợ khả năng cạnh tranh.
Điều này đe dọa quá trình tạo ra chỗ làm mới cũng như việc thực hiện chiến lược dài hạn của khu vực. Do đó, vào thời gian tới khả năng cạnh tranh phải trở thành sự ưu tiên chủ yếu trong chính sách của các quốc gia châu Âu cũng như của EU.
Europe 2020 Competitiveness Report khẳng định: So với năm 2010 đến nay Séc đã giảm 4 bậc về khả năng cạnh tranh. Nguyên do là vì môi trường kinh doanh xấu đi.
Séc được đánh giá là nền kinh tế mở có mức độ bất bình đẳng về thu nhập thấp và thị trường lao động hiệu quả, mối tương quan giữa tiền lương và hiệu suất lao động lành mạnh.
Môi trường kinh doanh dù đã đạt được mức gần với các chỉ số trung bình của châu Âu, song các văn bản pháp luật của chính phủ rất hay làm khó các doanh nhân và thời hạn hoàn thành các giấy tờ cần thiết cũng như thủ tục thành lập doanh nghiệp kéo dài.
Một trong những vấn đề chủ chốt của Séc là tình trạng thiếu phát minh sáng chế - chỉ số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU. Trong 4 năm qua chỉ số về hệ thống giáo dục và dạy nghề cũng tụt đáng kể.
Báo cáo của WEF cũng nhận xét rằng Séc cần cải thiện các chỉ số về bảo vệ môi trường. Nước này phụ thuộc chặt chẽ vào các nguồn năng lượng không thể tái tạo có mức khí thải độc hại cao. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Séc vẫn ít tham gia thực hiện các hiệp ước quốc tế./.
(Vietnam+)