Nét đẹp phong tục khai bút đầu Xuân ở Đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Lễ khai bút đầu Xuân ở Đền thờ thầy giáo Chu Văn An là việc làm thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam nhằm tỏ lòng thành kính của hậu thế.
Nét đẹp phong tục khai bút đầu Xuân ở Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ảnh 1Đền thờ thầy giáo Chu Văn An. (Nguồn: haiduong.gov.vn)

Ngày 8/2 (ngày mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Chí Linh tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân và phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã tưởng nhớ, tri ân công lao của thầy giáo Chu Văn An và nêu bật nét đẹp phong tục khai bút đầu Xuân. Theo sử sách, thầy Chu Văn An sinh năm 1292, tên thật là Chu Văn, quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học, truyền bá, giáo dục tư tưởng, đạo đức Khổng giáo vào nước ta. Đến đời vua Trần Minh Tông mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng-vua Trần Hiến Tông sau này.

Đến đời vua Trần Dụ Tông, triều chính thối nát, gian thần khắp nơi, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian thần nhưng không được nhà vua chấp thuận nên ông đã quay về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) ở ẩn. Thầy dạy học, viết sách cho đến khi qua đời vào năm 1370, thọ 79 tuổi. Tương truyền, khi về núi Phượng Hoàng ở ẩn và dạy học, mỗi lần học trò về thăm, thầy đều trò chuyện, hỏi han từng người rồi tự tay viết tặng mỗi trò một chữ để khích lệ học trò phấn đấu.

Lễ khai bút đầu Xuân tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An là việc làm thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam và nhằm tỏ lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt.

[Chu Văn An, người thầy vĩ đại của nền giáo dục Việt Nam]

Đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã trở thành di tích có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học, thường đón hàng vạn lượt du khách tới dâng hương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nhiều người về đây thường xin chữ với mong muốn học hành đỗ đạt, sự nghiệp như ý.

Tại buổi lễ, các đại biểu lãnh đạo thành phố Chí Linh, huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội) - quê hương thầy giáo Chu Văn An và là huyện kết nghĩa với thành phố Chí Linh đã thực hiện nghi thức khai bút chữ quốc ngữ với 9 chữ: Trung, Hiếu, Nghĩa, Trí, Mẫn, Cần, Vinh, Hiển, Đạt.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ủy ban Nhân dân thành phố Chí Linh đã phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022. Hưởng ứng Tết trồng cây năm 2022, thành phố Chí Linh phấn đấu trồng mới 180.000 cây phân tán các loại, tăng 15.000 cây so với năm 2021; trong đó có 110.000 cây lấy gỗ, cây phong cảnh, bóng mát và 70.000 cây ăn quả các loại.

Để việc trồng cây mùa Xuân đạt kết quả cao, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cùng 19 xã, phường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, lợi ích lâu dài của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, năm nay, tỉnh Hải Dương không tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dân 2022 cấp tỉnh. Việc tổ chức Tết trồng cây được giao cho Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chọn hình thức, thời điểm tổ chức phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và các quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục