Nét độc đáo trong ngày Tết của người Dao Hà Giang

Tết năm mới, tiếng Dao gọi là “nhận siằng nhhẳng.” Tết được người Dao gọi là "lễ hội mùa Xuân" thường kéo dài trong 15 ngày.
Sinh sống ở một tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, cộng đồng dân tộc Dao ở Hà Giang có khoảng 115.000 người với các ngành Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao lô giang.

Người Dao sinh sống làm ăn ở 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Bắc Mê, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh.

Với người Dao Hà Giang, mỗi ngày trong dịp Tết đều có một ý nghĩa đặc biệt. Tết năm mới, tiếng Dao gọi là “nhận siằng nhhẳng.” Tết được người Dao gọi là "lễ hội mùa Xuân" vì đây là một dịp đánh dấu mùa Xuân tới, thường kéo dài 15 ngày. 15 ngày đầu tháng Một là 15 ngày linh thiêng của một năm mới, bắt đầu từ quá nửa đêm 30 Tết.

Theo ông Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, do không có đồng hồ nên việc đón giao thừa được người Dao tính theo tiếng gáy đầu tiên của con gà trống. Việc chuẩn bị đón giao thừa tuy đơn giản nhưng lại rất quan trọng và cần thiết vì phải đón được tiếng gáy đầu tiên của con gà trống.

Ngay từ đêm hôm trước, ông chủ nhà người Dao chờ đón giao thừa (tiếng gà gáy) và mọi công việc cần có cho đón năm mới. Cả đêm ba mươi, người đàn ông không ngủ, thức để học các quyển sách cúng hoặc học chữ. Tầm gần 1 giờ, ông chủ ngồi trực ở bên ngoài ngưỡng cửa chính của nhà sẵn sàng đón tiếng gà gáy đầu tiên của gà trống, sau đó quay vào nhà thắp hương lên bàn thờ kính báo tổ tiên giờ đã sang canh của một năm mới.

Ông chủ nhà người Dao còn phải giở sách xem việc xuất hành là giờ và hướng nào, làm lễ “khai công” đầu năm mới vào giờ và ngày nào. Tờ mờ sáng (giờ Dần hoặc giờ Mão), có thể là lúc trời sáng hẳn, người ta bắt đầu làm lễ xuất hành.

Ông chủ và các con trai mang trống, thanh la và tay cầm nắm hương, bao diêm và giấy cúng đứng trước bàn thờ nói vài câu rồi bắt đầu đánh trống, thanh la đi ra cửa chính và đi theo hướng và địa điểm định sẵn, ông chủ cầu mong trời đất phù hộ cho một năm mới con người mạnh khỏe, làm gì cũng đại kết, đại lợi. Sau đó lạy 4 phương và đốt giấy cúng, đi hái lộc đem về nhà.

Ngày đầu tiên của năm mới đối với dân tộc Dao là ngày Mùng Một, ông chủ nhà người Dao cùng với mọi người trong gia đình đem cuốc ra đồng cuốc đất, với diện tích khoảng một vài mét vuông. Người Dao quan niệm, từ việc làm này, mọi người trong gia đình phải quan tâm chú trọng tới sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.

Mỗi ngày trong 15 ngày đầu tiên của năm mới đối với dân tộc Dao việc học được coi là linh thiêng. Đàn ông học chữ (viết, đọc), học cúng, học múa; đàn bà học khâu, thêu thùa.

Quan niệm của người Dao, để học và tiếp thu tốt thì từ ngày 1-15/1 Tết, vợ chồng không được ngủ chung. Nam giới học chữ, học cúng, nhảy lửa và nhà nào có nghề rèn còn phải học đánh cuốc, đánh dao, đổ lưỡi cày, làm súng... Đối với nữ giới, từ 10 tuổi trở lên là phải học thêu thùa. Không chỉ giỏi giang, xinh đẹp, mỗi người phụ nữ Dao phải tự tay thêu, dệt cho mình một bộ trang phục đẹp.

Nhìn bộ trang phục của phụ nữ Dao, những người đàn ông dân tộc Dao có thể đoán được người đang mặc trang phục đó đảm đang, khéo léo như thế nào. Trong 15 ngày đầu tiên của năm mới, buổi sáng ngủ dậy, trẻ em dân tộc Dao thường mang sách vở ra tập đọc, tập viết để mong cả năm mới luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Nét độc đáo trong ngày Tết của dân tộc Dao ở Hà Giang ngày nay vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao từ xa xưa. Đối với họ, Tết đến với mỗi nhà, vui xuân nhưng không được quên công việc, tất cả từ người già đến trẻ em trong những ngày đầu năm mới phải học. Học để trở thành những người có hiểu biết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao từ bao đời nay./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục