"Làm báo là đam mê"

“Nếu được phép chọn lại thì vẫn sẽ làm nghề báo”

Đến từ các tòa soạn báo khác nhau, với những con đường vào nghề báo rất khác nhau, nhưng họ đều có chung một điểm là yêu nghề.
Nhân ngày hội của báo giới, phóng viên Vietnam+ đã có những cuộc phỏng vấn, trao đổi với các nhà báo đứng đầu một số tòa soạn báo có uy tín. Dù làm việc ở các cơ quan khác nhau, đến với nghề báo bằng các con đường khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm: yêu nghề.

“Làm báo là đam mê đầu tiên”

Trong câu chuyện trao đổi với phóng viên Vietnam+, Thiếu tướng, nhà báo Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cho biết: “Hơn ba mươi năm trong nghề, đến nay, làm báo vẫn là niềm đam mê đối với tôi. Tôi phải khẳng định rằng hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là đạt được nguyện vọng trong đời: được làm báo.”

Anh tâm sự: "Từ khi còn ở tuổi học trò, tôi đã rất yêu văn học. Tôi từng được giải khuyến khích học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Nghề báo đã là niềm khao khát của tôi từ đó."

Cơ duyên báo chí đã đến với anh vào năm 1971 khi anh là một trong những người đầu tiên của Việt Nam được chọn đi học báo chí ở trường Tổng hợp Moskva của Liên Xô cũ.

"Cho dù chuyên môn được đào tạo của tôi là làm truyền hình, về nước lại chuyển sang làm báo in, nhưng tôi nghĩ thích nghi chính là năng lực của nghề báo," anh chia sẻ. “Đến hôm nay là cả một quá trình học hỏi từ các bậc đàn anh đi trước, từ đồng đội - đồng nghiệp.”

Niềm đam mê đã thôi thúc anh không ngại xông pha. Đặc biệt, khi vào môi trường quân đội, sự rèn luyện bản thân càng lớn hơn, như thường phải đi viết ở những nơi gian khổ trong thời gian dài…

Anh cho rằng: Việc rèn luyện không chỉ cần thiết trong quân đội mà còn cần cho bản thân mỗi nhà báo để nâng cao nghiệp vụ của mình. "Nghĩ lại hơn ba mươi năm làm báo tại báo Quân đội Nhân dân, tôi thấy mình đã may mắn có được môi trường làm việc nghiêm túc mà ấm tình đồng đội."

Khi được hỏi về nét đặc trưng của những nhà báo mang quân phục, anh Nguyên đã khẳng định, "chúng tôi là những người có ý thức chấp hành mệnh lệnh cao. Cho dù việc được giao có đúng sở thích, có đúng chuyên môn hay không thì vẫn phải thi hành mệnh lệnh với tinh thần sẵn sàng nhất."

Theo Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, phóng viên quân đội phải coi nhiệm vụ được giao là trên hết. Công việc, nhiệm vụ đúng với mong muốn, sở trường thì tốt nhưng không đúng cũng không lui bước. Khi nỗ lực thực hiện sẽ thêm trưởng thành. Rất có thể ban đầu làm theo mệnh lệnh về sau lại trở thành sở thích, sở trường.

Trong thời kỳ hiện nay, cơn bão của cuộc sống thị trường đã tác động đáng đến tất cả các lĩnh vực và các nhà báo quân đội càng phải gìn giữ mình để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó niềm tự hào và cũng luôn là thử thách với các nhà báo-chiến sĩ, anh Nguyên cho biết.

“Nhà báo có căn cốt làm… truyền giáo”

Từng là kỹ sư, là người lính… nhưng trót đa mang một tình yêu mãnh liệt với thơ văn, báo chí nên giờ đây mới có chân dung một nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Đại tá, Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào gặp mặt, cũng thấy anh sục sôi cảm xúc. Thứ cảm xúc thể hiện chân thật quá nên dễ chi phối và cuốn người đối diện theo những nhịp, những cung bậc rất riêng kiểu Hồng Thanh Quang ấy.

Trong câu chuyện về nghề, anh kể: “Năm 1986, tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện quân sự ở Liên Xô về nước tôi được phân công về Quân đoàn 3 Binh đoàn Tây Nguyên làm trợ lý kỹ thuật cho một tiểu đoàn thông tin.”

Thế rồi cái duyên và cũng là may mắn khi tờ tin của Binh đoàn Tây Nguyên cần phóng viên. Chính nhà báo Đắc Sinh – nguyên Tổng biên tập báo Phú Thọ - đã phát hiện và kéo anh khỏi bộ phận kỹ thuật lên tờ báo của Quân đoàn đồng thời ông cũng chính là người thầy báo chí đầu tiên của anh kỹ sư trẻ.

“Tôi học sáu năm về vô tuyến điện, chỉ làm sáu tháng đúng nghề rồi từ tháng 5/1987 tôi chính thức bước chân vào nghề báo và liên tục làm từ đó đến nay. Ban đầu, do chưa được học về nghề báo nên tôi cứ vừa học vừa làm. Và, cho đến bây giờ tôi không có gì phải ân hận về công việc của mình. Nếu được chọn lại thì tôi vẫn sẽ làm nghề báo thôi,” anh kỹ sư ngày nào giờ đã là một Đại tá công an, một nhà báo giỏi nghề chia sẻ.
 
Được hỏi cảm xúc về nghề, anh tâm sự: "Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ già đi, nhiều cái ảo tưởng rồi cũng bị mất đi... nhưng tôi vẫn luôn nghĩ nghề báo là một nghề rất hay. Vì báo chí nó như một diễn đàn mà thông qua đó mình có thể nói được về những điều mình tin, những điều mình yêu, những điều mình ghét."

"Thực ra đó cũng là nhu cầu nối tôi với độc giả. Và, tôi nghĩ rằng nếu càng có nhiều người tin vào những điều tôi tin, yêu những điều tôi yêu thì xã hội này sẽ tốt hơn lên. Đó là thực ra tôi có căn cốt làm truyền giáo. Tôi thích truyền bá những tư tưởng mà mình tin thì nghề báo là nghề tốt nhất để làm việc này.”

“Tôi chưa bao giờ ân hận vì đã làm nghề báo!”

Chị Đỗ Thị Thanh Nhã, Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội, đã đến với nghề báo bằng ước mơ từ khi còn trẻ. Chị Nhã vui vẻ kể lại: Những lúc ngồi nghe các anh trong gia đình (là những nhà báo có tên tuổi) bàn việc làm báo chị đều mê tít.

Chị học sư phạm và ra làm giáo viên. Sau đó chị lại theo học Đại học Văn hóa chuyên ngành Văn hóa quần chúng. Có những dịp, chị được mời tham gia đọc và kể những câu chuyện ở đại đội trong chương trình phát thanh quân đội. Nhiều người khen và chính chị cũng từng ngỡ mình có thể trụ với vai trò một phát thanh viên.

Nhưng rồi như định mệnh, chị đã tìm về với giấc mơ đầu. Bài báo đầu tiên của chị viết về một cô công nhân có bàn tay vàng trong nghề dệt. Độc giả đầu tiên là người cha. Ông đọc và khen về tính thuyết phục và sự chân thật của bài báo.

Chị gửi đăng báo Phụ nữ Thủ đô và không ngờ bài báo đó đã được in trang nhất. Tiếp theo chị làm cộng tác viên cho báo Phụ nữ Thủ đô, dù đi đọc morat, tiếp bạn đọc, làm công tác hội phụ nữ chị đều rất hào hứng. Sau đó, chị mới học tại chức về nghiệp vụ báo chí. “Tôi nghĩ cho dù nhà báo cần thực tiễn nhưng vẫn cần cơ sở lý luận,” chị Nhã nói.

Tiếp theo, chị đã làm phóng viên, làm Trưởng ban biên tập và đến nay làm Tổng biên tập ở một tờ báo có tới 80% nhân viên là phụ nữ. Chị Nhã tâm sự: “Chúng tôi có sự phân cấp rõ ràng trong công việc còn trong tình cảm thì thực sự là một gia đình. Dù con đường đến với nghề báo của tôi không dễ dàng mà rất ngoằn ngoèo và vất vả nhưng tôi chưa bao giờ ân hận vì đã chọn nghề này.”

Trả lời câu hỏi về thuận lợi và khó khăn của những phụ nữ làm nghề báo, Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô cho rằng: “Người phụ nữ thành công trong công việc mà đoảng việc nhà là không đáng ghi nhận. Bản thân nhà báo nữ phải thăng bằng, sự thăng bằng có được nhờ sự yên ổn trong gia đình riêng và sự tin tưởng ở cơ quan làm việc. Phải làm hoàn thành vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Kể cả có sống đơn thân thì nhà báo nữ cũng cần là người làm chủ cuộc sống của mình."

"Không chông chênh thì mới có thể làm báo. Nếu không hoàn thiện mình và không thăng bằng thì sẽ rất khó làm báo tốt. Là một nhà báo nữ nên tôi cũng hiểu rõ cả những bất lợi của các nhà báo nữ vì phải làm một công việc năng động đòi hỏi phải làm việc bất kể thời gian, địa điểm.”

Cho dù nhiều người đều thấy nhà báo nữ có lợi thế là dễ gây thiện cảm do đặc điểm của giới tính duyên dáng, nhẹ nhàng, nhưng chị Nhã khẳng định không có thuận lợi nào tự nhiên mà có được.

“Nhà báo nữ sẽ thực sự được trân trọng khi có tác phong làm việc thông minh và chịu khó,” chị Nhã khẳng định./.

Nhóm phóng viên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục