New Zealand dỡ bỏ các hạn chế, ngoại trừ ở thành phố Auckland

Thủ tướng Arden nêu rõ mặc dù New Zealand đang tiến tới xóa bỏ dịch bệnh, song bà không muốn hành động quá nhanh khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
New Zealand dỡ bỏ các hạn chế, ngoại trừ ở thành phố Auckland ảnh 1Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand, ngày 20/8/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 6/9 thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng, chống COVID-19 trên cả nước, ngoại trừ ở thành phố Auckland, trong bối cảnh nước này đang tiến tới thoát khỏi một đợt bùng phát biến thể Delta.  

Theo bà Ardern, các hạn chế sẽ được nới lỏng ngoài phạm vi Auckland từ ngày 8/9 tới.

Thủ tướng Arden nêu rõ mặc dù New Zealand đang tiến tới xóa bỏ dịch bệnh, song bà không muốn hành động quá nhanh khiến dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Như vậy, khoảng 1,7 triệu người dân ở Auckland - “tâm dịch” của New Zealand, sẽ vẫn phải thực hiện mức độ phong tỏa hoàn toàn cấp 4 cho đến ít nhất ngày 14/9.

Các địa phương còn lại giảm trạng thái cảnh báo từ mức 3 xuống mức 2, theo đó các trường học, văn phòng, doanh nghiệp được mở cửa trở lại. Việc đi lại giữa các vùng cũng sẽ nối lại.

[Ca nhiễm mới ở Australia tăng, New Zealand nới lỏng biện pháp hạn chế]

Tuy nhiên, người dẫn vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc bên trong hầu hết các địa điểm công cộng, trong đó có cửa hàng và trung tâm thương mại.

Các buổi tiệc trong nhà sẽ giới hạn tối đa 50 người tham dự, ở ngoài trời giới hạn 100 người. 

Số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại New Zealand đã giảm từ mức đỉnh 85 ca hôm 29/8 xuống còn 20 ca trong ngày 6/9.

Tổng cộng 821 người mắc bệnh trên cả nước trong làn sóng lây nhiễm hiện nay, trong tổng số 3.400 ca mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu  bùng phát đại dịch. 

Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của New Zealand được cho là đã giúp khống chế số ca mắc COVID-19, song chính phủ nước này đang đối mặt với chỉ trích triển khai tiêm vaccine chậm trễ.

Hiện mới chỉ có khoảng 30% trong số 5,1 triệu người dân của nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, chậm nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục