[News Game] Lịch sử Chùa Cầu ở Hội An, những ai được thờ trong Chùa Cầu?
Sự kiện Chùa Cầu ở Hội An được trùng tu với diện mạo "mới" hơn so với hình ảnh cũ kỹ thường thấy đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hãy cùng tìm hiểu lịch sử cây cầu này trong News Game dưới đây.
Chùa Cầu được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), là thành phần quan trọng của Di sản Thế giới này. Thế nên, việc trùng tu Chùa Cầu đã thu hút sự chú ý của dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lai lịch của cây cầu và ngôi chùa độc đáo này. Chẳng hạn tại sao trên cầu lại có chùa, và trong chùa thì thờ những ai?
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản.
Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.Sau đó, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.
Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Chùa được trùng tu lớn vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986 và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Trung như ngày nay chúng ta vẫn thấy.
Theo dự kiến, ngày 3/8/2024, Thành phố Hội An sẽ khánh thành công trình trùng tu Chùa Cầu nhân Tuần văn hóa Việt - Nhật lần thứ 20 diễn ra ở Hội An. Trước khi chính thức ngắm diện mạo mới của cây cầu sau lần trùng tu này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lai lịch cũng như những chi tiết đặc biệt của Chùa Cầu nổi tiếng.
Chùa Cầu còn có tên gọi nào?
Giải thích Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều (來遠橋), với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".
Chùa Cầu thờ những ai?
Giải thích Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Hai đầu cầu còn thờ thần chó và thần khỉ theo tín ngưỡng Nhật Bản.
Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào năm nào?
Giải thích Ngày 17 tháng 2 năm 1990, Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Năm 1999, UNESCO ghi tên đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, Chùa Cầu là một trong những di tích quan trọng hợp thành di sản văn hóa thế giới này.
Chùa Cầu đã trải qua mấy lần trùng tu?
Giải thích Chùa Cầu đã trải qua 7 lần tu bổ, trùng tu. Lần trùng tu quan trọng nhất khởi sự từ ngày 28/12/2022, với tổng vốn đầu tư là 20,2 tỉ đồng, từ ngân sách của Thành phố Hội An và của tỉnh Quảng Nam, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản.
Tổ chức JICA của Nhật Bản cam kết hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm cho chính quyền và nhân dân thành phố Hội An trùng tu, khôi phục Chùa Cầu.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc diện mạo Chùa Cầu sau khi tu bổ lạ lẫm, nhìn "mới quá" và không ăn nhập với cảnh quan, thậm chí có ý kiến cho rằng Chùa Cầu đã bị trùng tu sai.
Tiếp thu những ý kiến trái chiều về màu sơn mới của Chùa Cầu, Hội An đã chỉ đạo thực hiện việc sơn lại đường viền màu trắng, phần tiếp giáp giữa mố cầu và mặt cầu cho sậm hơn.