Ngày 15/4, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Mikhail Ulyanov đánh giá các cuộc đàm phán mới nhất nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã diễn ra tích cực bất chấp những căng thẳng mới trước thềm hội nghị ở Vienna (Áo).
Các nhà ngoại giao của Iran và các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã tiến hành vòng đàm phán mới nhất kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ trong ngày 15/4.
Sau khi kết thúc đàm phán, Đại sứ Ulyanov cho biết các bên tham gia thỏa thuận sẽ tiến hành một số cuộc họp không chính thức dưới những định dạng khác nhau, trong đó có các cuộc họp cấp chuyên gia.
Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Vương Quần cho rằng đã có quá nhiều hành động cản trở những nỗ lực khôi phục tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, đồng thời kêu gọi cần phải đẩy nhanh các cuộc thương lượng về vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp ở Vienna, ông Vương Quần nói: "Theo chúng tôi, mọi diễn biến hiện nay đã củng cố nhận định của chúng tôi rằng điều cần thiết nhất hiện nay, điều được ưu tiên hàng đầu, đó là loại bỏ mọi nhân tố cản trở và đẩy nhanh tiến trình đàm phán."
[Iran xoa dịu quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân]
Trước đó một ngày, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng không nên để các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới về thỏa thuận hạt nhân bị uổng phí.
Nhà lãnh đạo này tái khẳng định lập trường của Iran rằng Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nước Cộng hòa Hồi giáo trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo ông Ali Khamenei, việc các quan chức Mỹ bày tỏ sẵn sàng đàm phán không có nghĩa là Washington sẵn sàng "lắng nghe và chấp nhận sự công bằng."
Vòng đàm phán mới nhất diễn ra trong bối cảnh vừa xuất hiện những động thái gây căng thẳng mới liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.
IAEA cho biết Iran đã gần hoàn tất quá trình chuẩn bị để bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời dự kiến bổ sung 1.024 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 dưới lòng đất.
Tuy nhiên, ngày 15/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tìm cách xoa dịu những quan ngại của phương Tây về quyết định của nước này làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân của mình là nhằm mục đích "hòa bình."./.