Nguy cơ từ vũ trụ

Nga đề xuất chương trình đối phó nguy cơ từ vũ trụ

Vụ nổ gây ra mưa thiên thạch ở Nga đã gióng tiếng chuông báo động cho toàn thế giới về mối nguy hiểm mang tính hủy diệt này.
Theo tuyên bố ngày 20/2 của Thư ký Hội đồng An ninh Nga (SBR), ông Nikolai Patrushev xác nhận Mátxcơva đã đề nghị soạn thảo một chương trình liên quốc gia nhằm đối phó với các nguy cơ từ vũ trụ.

Ông Patrushev đánh giá nguy cơ của các thiên thạch và rác thải hình thành trong vũ trụ đối với Trái Đất mang tính toàn cầu và được dư luận quốc tế cũng như Liên hợp quốc quan tâm sát sao từ hàng thập kỷ qua.

Vụ nổ gây ra mưa thiên thạch trên bầu trời nhiều tỉnh miền Nam của Nga, trước hết tại tỉnh Chelyabin sáng 15/2, đã gióng tiếng chuông báo động cho toàn thế giới về mối nguy hiểm tiềm tàng mang tính hủy diệt này.

SBR đã nhiều lần đề nghị soạn thảo và thực hiện một chương trình liên quốc gia có mục tiêu đối phó với các nguy cơ từ vũ trụ liên quan đến khả năng các thiên thạch và rác thải vũ trụ va chạm hoặc lao vào Trái Đất, đồng thời soạn thảo các văn bản pháp luật quốc tế nhằm góp phần giải quyết nhiệm vụ đối phó với các vật thể nguy hiểm từ vũ trụ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có nỗ lực chung và hành động phối hợp của những nước có đủ khả năng để quan sát và phân tích tình trạng khoảng không vũ trụ gần Trái Đất của chúng ta.

Đến nay, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện hơn 8.500 thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất.

[Nga dừng tìm kiếm thiên thạch rơi xuống Trái đất]


Họ cũng xác định được khi va chạm với Trái Đất, thiên thạch có đường kính hàng trăm mét có khả năng tàn phá cả một khu vực rộng lớn trên Trái Đất, nhưng thiên thạch có đường kính từ 800-1.000m trở lên nếu lao vào Trái Đất có thể gây ra thảm họa sinh thái toàn cầu.

Những thiên thạch lớn và hành tinh khác bay với vận tốc hàng chục km/giây có thể gây nguy cơ hủy diệt khi lao vào Trái Đất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục