Điều tra nguyên do

Nga điều tra lý do vụ tàu vũ trụ đâm xuống biển

Chính quyền Nga tuyên bố sẽ tìm ra những người có trách nhiệm trong vụ tàu thăm dò sao Hỏa đâm xuống Thái Bình Dương ngày 15/1.
Chính quyền Nga hôm 16/1 đã tuyên bố sẽ tìm ra những người có trách nhiệm trong vụ một tàu thăm dò sao Hỏa của nước này đâm xuống Thái Bình Dương, sau khi đã mắc kẹt trên quỹ đạo Trái đất suốt hơn 2 tháng.

Quân đội Nga nói rằng con tàu Phobos-Grunt nặng 13,5 tấn đã rơi trở lại bầu khí quyển Trái đất vào cuối ngày Chủ Nhật và đâm xuống Thái Bình Dương, đánh dấu một sự kết thúc đáng hổ thẹn cho nỗ lực tái triển khai chương trình thám hiểm vũ trụ liên hành tinh của nước này.

Con tàu cất cánh hôm 9/11 trong một sứ mạng tham vọng nhằm thu thập mẫu đất từ mặt trăng lớn nhất của sao Hỏa là Phobos. Nhưng động cơ tên lửa đẩy của nó đã không được kích hoạt và con tàu mất liên lạc với trạm mặt đất, bắt đầu rơi xuống hoàn toàn không kiểm soát.

"Cá nhân tôi đang nắm quyền kiểm soát cuộc điều tra vào nguyên nhân vì sao xảy ra vụ tai nạn Phobos-Grunt, cựu đại sứ Nga ở NATO Dmitry Rogozin, người vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng, viết trên trang Twitter của ông.

Rogozin nói rằng ông hy vọng cơ quan hàng không vũ trụ Roscosmos "sẽ nêu ra những nhân vật phi người hùng" phải chịu trách nhiệm cho thất bại mới nhất.


"Tôi đang trông chờ bản báo cáo của Roscosmos về các lý do xảy ra tai nạn, tên của những nhân vật chịu trách nhiệm và quan điểm của cơ quan này về khả năng phát triển lĩnh vực không gian cho tới năm 2030" - ông nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng mình sẽ tham dự một cuộc họp với các nhà thầu vào ngày 31/1.

Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp không gian, việc thiếu thông tin về những gì đã xảy ra sẽ khiến các nhà điều tra khó mà tìm ra nguyên nhân gây nên sự cố.

"Toàn toàn không có thông tin điện tín gửi đi từ con tàu. Ngoài ra cũng không có đủ chứng cứ để vẽ nên một bức tranh về điều gì đã xảy ra."

Cơ quan hàng không vũ trụ Nga tin rằng các mảnh vỡ của con tàu đã đâm xuống Thái Bình dương hôm 15/1, tuy nhiên chính xác nó rơi xuống nơi nào vẫn chưa được làm rõ trong ngày 16/1.

"Theo các thông tin từ trung tâm kiểm soát nhiệm vụ của Lực lượng Phòng thủ Không gian, các mảnh vỡ của tàu Phobos Grunt có thể đã rơi xuống Thái Bình Dương lúc 17h45 GMT," - phát ngôn viên lực lượng trên, Alexei Zolotukhin, nói với hãng tin Interfax hôm 15/1.

Tuy nhiên phó phụ trách cơ quan hàng không vũ trụ Anatoly Shilov đã phát biểu trên truyền hình hôm 16/1 rằng cơ quan này dự đoán con tàu rơi xuống Brazil, dù họ chưa tìm được ai chứng kiến chuyện này.

Hiện cũng chưa rõ con tàu đã bị thiêu cháy ít hay nhiều, khi nó ma sát với bầu khí quyển trong quá trình rơi xuống, và tạo ra nhiều mảnh vỡ.

Roscosmos đã dự báo chỉ có từ 20 - 30 mảnh vỡ với tổng trọng lượng chưa đầy 200kg là còn sót lại sau quá trình kể trên và chúng sẽ đâm xuống bề mặt Trái đất.

Nga và các khoa học gia NASA đã giảm thiểu những nguy cơ do nhiên liệu tên lửa chưa cháy hết gây ra. Họ nói rằng số nhiên liệu này cũng sẽ bị thiêu cháy trong bầu khí quyển, trước khi rơi trở lại bề mặt Trái đất.

Con tàu khôn gngười lái trị giá 165 triệu USD là một trong nhữn vật thể lớn nhất rơi trở lại bầu khí quyển, kể từ khi Nga tiến hành đưa trạm vũ trụ Mir trở lại Mặt đất hồi năm 2001.

Con tàu này mang trên nó 11.000 tấn nhiên liệu độc hại, đủ để đưa nó tới Phobos, cùng một vệ tinh Trung Quốc mà nó có kế hoạch đưa vào quỹ đạo quanh sao Hỏa, theo một hợp đồng ký với Bắc Kinh.

Kết thúc thảm khốc của con tàu đã gợi lại kỷ niệm cay đắng cho người Nga, khiến họ nhớ về thời hoàng kim đã mất cách nay nửa thế kỷ, kể từ khi Yuri Gagarin có chuyến bay lịch sử vào vũ trụ hồi năm 1961.

Vụ tai nạn tiếp tục là bước thụt lùi nữa trong hàng loạt thất bại mà chương trình không gian của Nga mới trải qua gần đây.

Nó xảy ra chưa đầy 3 tháng sau khi tàu không người lái Progress có trách nhiệm chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế đâm xuống Siberia.

Nga cũng mất 3 vệ tinh định vị, một vệ tinh quân sự tiên tiến và một vệ tinh viễn thông trong các tai nạn diễn ra hồi năm ngoái./.
 
Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục