Nga giúp đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á

Thông qua hợp tác với Nga, một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề an ninh lương thực.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga ngày 5/6, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tổ chức vào đầu tháng Chín tại Vladivostok, Nga, các hoạt động chuẩn bị cho diễn đàn này được tổ chức tại nhiều thành phố khác nhau của Nga như Mátxcơva, St. Petersburg, Khabarovsk, Irkutsk, Ekaterinburg, Yaroslavl ...

Việc tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC tại các địa phương khác nhau cho phép Nga thể hiện trước các đối tác nước ngoài tiềm năng tri thức, công nghệ và tài nguyên của đất nước.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Lan, đã nhóm họp tại Kazan, thủ đô Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga, trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng trở nên căng thẳng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang tiếp diễn khiến số người thiếu lương thực trên thế giới tăng lên đến 1 tỷ người.

Vấn đề lương thực cũng đang trở nên khá nghiêm trọng tại các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi chiếm một phần tư số người thiếu lương thực trên thế giới.

Tại cuộc họp này, các bên đã có cơ hội đánh giá khả năng lương thực của đất nước. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng Nga có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực cho toàn châu Á.

Thông qua hợp tác với Nga, một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề an ninh lương thực.

Giám đốc Trung tâm Giám định địa-chính trị Nga, ông Valery Korovin nhận định: “Nga sở hữu diện tích trồng trọt lớn nhất thế giới. Ngoài ra, còn có cơ sở khoa học tốt cho phát triển nông nghiệp".

Theo ông Côrôvin, so với Nga, Việt Nam có khí hậu thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu đất canh tác. Việt Nam cũng cần có các chuyên gia nông nghiệp trình độ cao mà Nga có thể giúp đào tạo.

Đối với Hàn Quốc, nền nông nghiệp nước này áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trình độ cao, nhưng nơi đây cũng thiếu quỹ đất.

Ngoài ra, đối với nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiệm vụ đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân xác định sự cần thiết phải hợp tác với Nga, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, thậm chí cả trong lĩnh vực địa-chính trị.

Hợp tác giữa Nga và Nhật Bản có nhiều hứa hẹn, đặc biệt, trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá.

Tại cuộc họp ở Kazan, biên bản ghi nhớ về việc thiết lập đối thoại Nga-Nhật về các vấn đề nông nghiệp đã được ký kết. Cả hai nước cũng đã công nhận sự cần thiết sớm đi đến ký kết thỏa thuận liên chính phủ về việc sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản ở khu vực Tây Bắc Á -Thái Bình Dương.

Phía Nhật Bản đã nêu sáng kiến đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất và bảo quản ngũ cốc tại vùng Viễn Đông nước Nga.

Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp giữa Nga và Nhật Bản đã đạt tổng cộng gần 260 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Nga chiếm ưu thế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục