Nga không có đối thủ trên thị trường công nghệ điện hạt nhân

Tương lai đối thủ duy nhất của Nga là Trung Quốc, nhưng hiện tại thì Nga vẫn là số một trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân.
Nga không có đối thủ trên thị trường công nghệ điện hạt nhân ảnh 1Lò phản ứng mới nhất và tiên tiến nhất tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Trận bão tsunami hồi 3/2011 đã làm nhà máy điện Fukushima tại Nhật Bản bị thiệt hại nặng và chưa thể hồi phục được như xưa. Kể từ sau thảm họa hạt nhân kinh hoàng tại Chernobyl hồi những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã đóng cửa.

Tổng sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân sản xuất giảm 11% trong 2 năm sau đó và kể từ đó đến nay vẫn chưa hồi phục.

Trong bối cảnh sản xuất điện hạt nhân giảm sút, Nga đang nổi trội trên thị trường thiết kế và xuất khẩu kỹ thuật công nghệ hạt nhân cho các nhà máy điện.

Theo The Economist, nhu cầu điện trong nước ổn định khiến công ty điện hạt nhân của nhà nước Nga Rosatom đã đẩy mạnh hướng xuất khẩu công nghệ ra bên ngoài.

Stephan Solzhenitsyn- chuyên gia phân tích năng lượng hạt nhân làm việc tại McKinsey- cho rằng, công ty Rosatom đã chú trọng nhắm vào các nước "trung gian", là những nước không quá thân với Mỹ hoặc Nga để tìm kiếm các hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cho các nước này.

Tháng 4/2018, Nga đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.

[Jordan, Nga ký thỏa thuận nghiên cứu xây lò phản ứng kiểu môđun nhỏ]

Rosatom cho biết họ hiện có 33 hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới với tổng giá trị là khoảng 130 USD, trong đó có hơn chục nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở một số nước như Bangladesh, Ấn Độ và Hungary.

Ông Solzhenitsyn cho rằng xuất khẩu năng lượng từ lâu đã là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nga do nước này luôn dư thừa nguồn cung dầu và khí. Việc xuất khẩu thiết kế và công nghệ hạt nhân cho các nhà máy điện khó khăn hơn, nhưng đứng về phương diện nào đó thì đây là hoạt động kinh doanh mang về nhiều lợi ích hơn.

Bán lò điện hạt nhân mang lại nhiều lợi nhuận hơn là nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vì các nhà máy điện hạt nhân sẽ phải đi kèm với gói mua các dịch vụ liên quan đến nhiên liệu hạt nhân như đào tạo kỹ sư và tư vấn.

Mỗi nhà máy điện hạt nhân là một dự án giá trị nhiều tỷ USD, những dự án này không hề bị ảnh hưởng bởi biến động về giá cả hàng hóa, và buộc khách hàng có mối quan hệ gắn bó với Nga nhiều thập kỷ sau khi nhà máy được xây dựng.

Việc giúp xây dựng các nhà máy điện hạt nhân được Nga xem như đòn bẩy ngoại giao nhằm xoay chuyển một phần lớn năng suất sản xuất điện của nước được giúp xây dựng nhà máy.

Về mặt lý thuyết, Nga có thể gây áp lực với các nước Nga giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân bằng cách tăng giá uranium, hay đơn giản chỉ là đóng lò phản ứng hạt nhân do Rosatom vận hành.

Mối quan hệ giữa nhà xuất khẩu công nghệ hạt nhân và khách hàng sẽ đặc biệt gần gũi trong những năm đầu tiên khi nhà máy đi vào hoạt động, những người vận hành nhà máy vẫn đang được đào tạo và nước xuất khẩu công nghệ sẽ vẫn liên quan trực tiếp vào hoạt động sản xuất của nhà máy.

Nguy cơ đặc biệt cao có thể xảy ra tại các nước khi mà nhà máy điện hạt nhân mới lại chiếm một phần đáng kể trong tổng nguồn cung cấp điện. Chẳng hạn như Rooppur, nơi Nga xây dựng lò sản xuất điện hạt nhân cho Bangladesh, đã cung cấp 2.400 megawatts, chiếm tới 15% tổng sản lượng điện của nước này.

Nhiều nước từ lâu đã quen với việc Nga dùng “lá chắn năng lượng” như là vũ khí địa chính trị. Cung cấp khí đốt từng là vấn đề tại các nước Đông Âu khi mùa Đông đến, nhưng về sau nguy cơ đe dọa này trở nên tinh vi hơn.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới Agneta Rising cho rằng địa chính trị không làm phức tạp những kế hoạch xuất khẩu của công ty Rosatom. Bất cứ ảnh hưởng nào Kremlin muốn tạo ra thông qua các nhà máy đều bị hạn chế bởi sự giám sát của Cơ quan Năng lương Nguyên tử quốc tế.

Sức ảnh hưởng của Rosatom đã bị suy yếu dần theo thời gian bởi vì các khách hàng thường yêu cầu đào tạo các kỹ sư của họ để vận hành nhà máy. Các khách hàng có thể lấy nguồn nhiên liệu hạt nhân từ các nơi khác, không nhất thiết phải từ Nga. Nếu Nga có ý định không tốt với khách hàng thì họ có thể không muốn thuê Nga nữa.

Tuy nhiên, các mối lo lắng về Nga vẫn còn. Năm 2017, tòa án của Nam Phi đã đóng băng thỏa thuận 76 tỷ USD với Rosatom vì cho rằng Tổng thống Jacob Zuma đã bí mật làm trung gian thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin.

Năm nay, Nga đã bắt đầu xây dựng lò phán ứng điện hạt nhân tại Hungary sau khi Tổng thống Putin được tiếp đón nồng nhiệt bởi cựu Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Với thỏa thuận xây dựng này, Hungary đã nhận được khoản vay 10 tỷ Euro (11,6 tỷ USD), và Rosatom sẽ vận hành và cung cấp nhiên liệu cho nhà máy. Điều này làm dấy lên những lo ngại Nga có thể dùng nhà máy này như đòn bẩy ngoại giao.

Chương trình điện hạt nhân của Nga có được những đơn đặt hàng là vì 2 lý do chính sau: thiết kế rẻ, và Rosatom nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Nga để tránh khỏi những rủi ro như nóng chảy hạt nhân....

Các đối thủ khác dường như khó mà cạnh tranh nổi với Nga. Công ty Areva của Pháp trước đây (nay là Orano), đã tiến hành xây mới 2 nhà máy điện hạt nhân trong 10 năm qua tại Phần Lan và Trung Quốc; cả hai nhà máy này đều bị trì hoãn và bị đội ngân sách. KEPCO, công ty năng lượng Hàn Quốc, đang đối mặt với việc phản đối năng lượng hạt nhân của người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, Westinghouse, công ty năng lượng của Mỹ mới phục hồi trở lại sau khi bị phá sản.

Đối thủ thực sự duy nhất của Nga hiện nay là Trung Quốc, cũng là nước chính phủ và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau. Mãi cho đến gần đây, Trung Quốc mới tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước đang ngày một gia tăng.

Nhưng việc nhập khẩu các nguyên vật liệu thô và xuất khẩu công nghệ là điều mà Trung Quốc thế nào cũng nghĩ đến, và Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội này ở nước ngoài.

Một công ty của Trung Quốc với sự hỗ trợ của nhà nước đã tham gia góp vốn đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở Anh, ngoài ra còn có một số các dự án khác mà Trung Quốc cũng tham gia tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù có người tin rằng Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nga, nhưng hiện tại thì Nga vẫn không có đối thủ trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục