Nga quan ngại về lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov tuyên bố cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO về lá chắn tên lửa đã đi vào ngõ cụt.
Sáng 3/5 tại Mátxcơva đã khai mạc Hội nghị quốc tế về các vấn đề phòng thủ tên lửa do Bộ Quốc phòng Nga chủ trì, với sự tham gia của hơn 200 chính khách nổi tiếng và chuyên gia quân sự thuộc hơn 50 nước trên thế giới.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận ảnh hưởng và những hậu quả có thể mà kế hoạch xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD) và của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO-AMD) có thể mang lại, đồng thời bàn triển vọng hình thành không gian an ninh mới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov tuyên bố cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO về NMD và AMD đã đi vào ngõ cụt, mặc dù Washington, Brussels và Mátxcơva cuối năm 2010 đã thỏa thuận sẽ hợp tác trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân chính gây bế tắc là do Mỹ và NATO không chịu đưa ra bảo đảm pháp lý về việc NMD hoặc AMD không nhằm vào lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Việc Washington có ý định công bố về hoàn thành giai đoạn tác chiến đầu tiên của AMD tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 20/5 tới tại Chicago (Mỹ) cho thấy Mỹ và NATO rắp tâm phát triển "lá chắn tên lửa" mà không tính đến những lo ngại và lợi ích chính đáng của Nga.

Nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ và NATO về hợp tác nhằm đối phó với các nguy cơ và thách thức mới, Nga sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp quân sự-kỹ thuật tương xứng.

Tuy nhiên, Nga sẵn sàng đối thoại công khai và hy vọng Nga và Mỹ cùng NATO còn có thể tiếp tục thảo luận về NMD cũng như AMD trên cơ sở đối tác bình đẳng.

Tại Hội nghị, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Nikolai Makarov nêu rõ Nga trước sau như một giữ vững lập trường về nguyên tắc an ninh cân bằng và không thể tách rời trong lĩnh vực "lá chắn tên lửa" cũng như trong lĩnh vực an ninh khu vực và toàn cầu.

Mátxcơva cho rằng trong vấn đề liên quan đến NMD, vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược liên quan mật thiết với nhau. Mỹ đã thổi phồng về mối đe dọa tên lửa của Iran và Triều Tiên để triển khai kế hoạch thiết lập NMD.

Vào những năm tới, các tên lửa phòng thủ của Mỹ hoàn toàn có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo Nga. Vì vậy Mỹ và NATO không được bố trí NMD và AMD sát biên giới Nga. Đây là một thực tế mà Nga cần tính đến trong sứ mệnh duy trì cán cân lực lượng và sự ổn định chiến lược trên thế giới.

Tuy nhiên, Mátxcơva không có ý định bố trí các tên lửa phòng thủ của mình bên ngoài lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev nhấn mạnh quan hệ Nga-NATO là yếu tố cơ bản trong cơ cấu an ninh châu Âu.

Không ai bác bỏ quyền của NATO về thực thi các biện pháp chống trả nguy cơ tên lửa. Tuy vậy, điều mà Nga trước sau như một yêu cầu là phải có bảo đảm pháp lý rằng trong tương lai, NMD và AMD sẽ không nhằm vào lực lượng răn đe hạt nhân của Liên bang Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục