Nga thắng Mỹ trong ''ván cờ dầu khí'' ở Trung Đông?

Việc tăng cường sự hiện diện của Nga ở Iraq nói riêng cũng như ở Trung Đông nói chung thông qua “ván cờ dầu khí” sẽ giúp Moskva đánh bật Mỹ khỏi khu vực này.
Nga thắng Mỹ trong ''ván cờ dầu khí'' ở Trung Đông? ảnh 1Một mỏ dầu tại Kirkuk, Iraq. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng oilprice.com ngày 18/2 phân tích những kế hoạch mang tính chiến thuật của Nga nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này ở Iraq nói riêng cũng như ở Trung Đông nói chung thông qua “ván cờ dầu khí.”

Điều này cũng sẽ giúp Moskva đánh bật Mỹ khỏi khu vực này.

Nội dung được lược dịch như sau:

Về mặt lịch sử, Nga đã trải qua cả một chặng đường dài để che giấu những ý định chiến lược của mình song nước này rõ ràng cảm thấy đủ mạnh ở Trung Đông để đặt cược một cách hết sức rõ ràng vào tuyên bố của mình ở khu vực này.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra chính sách đối ngoại mới của Mỹ không can dự vào các cuộc xung đột ở nước ngoài nếu các cuộc xung đột này không trực tiếp phục vụ cho các lợi ích của Mỹ, sau đó là việc rút binh sỹ Mỹ khỏi Syria và không ủng hộ lực lượng người Kurd, thì Nga và Trung Quốc thấy rằng họ có thể triển khai các kế hoạch của mình để đưa Iraq vào tầm ảnh hưởng địa chính trị của họ.

[Iran ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ trị giá 740 triệu USD với Nga]

Đây là nhận định của một nguồn tin giấu tên thân cận với Bộ Dầu khí của Iraq. Nguồn tin này tiết lộ thêm: “Họ (Nga và Trung Quốc) hiểu rằng miễn là họ không động chạm gì đến Saudi Arabia và vướng vào tình thế khó khăn giữa Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoặc tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào binh sỹ Mỹ, thì họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn ở bất kỳ đâu và đây là tuyên bố của phía Nga hồi tuần trước.”

Trước khi tuyên bố này được đưa ra, vốn đặc biệt đề cập đến các tập đoàn dầu khí của Nga như Zarubezhneft, Tatneft và Rosneftegaz cùng với một số tập đoàn vốn đã và đang hoạt động ở Iraq, Nga đã lặng lẽ tiếp cận để tăng cường sự hiện diện của mình ở Iraq. 

Hồi tuần trước, một nguồn tin ở Iraq tiết lộ: “Nga đã tự kiểm tra và thử nghiệm trữ lượng dầu khí tiềm năng (ở Iraq) trong nhiều năm qua và họ cho rằng trữ lượng hiện có khoảng gấp đôi so với những ước tính chính thức hiện nay đối với cả dầu và khí.”

Đó là một trong hai lý do chính giải thích vì sao Nga tận dụng mọi cơ hội để mở rộng sự hiện diện của mình ở miền Bắc và Nam của Iraq.

Ở miền Bắc, Nga lâu nay đã rất thành công trong việc sử dụng tập đoàn ủy nhiệm Rosneft, để kiểm soát những thành phần chủ chốt của cơ sở hạ tầng dầu khí của khu vực.

Trong khi đó, ở miền Nam, Nga đã phải chịu sức ép của những tham vọng trước đây của Mỹ nên phải hành động một cách kín đáo hơn.

Mặc dù Nga luôn có khả năng dựa vào khả năng có thể sử dụng tầm ảnh hưởng quân sự và chính trị của Iran đối với Iraq để đạt được những mục tiêu của riêng mình, song những việc này đã không thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, ít nhất là trong khi quyền lực thực sự đang hiện diện ở Iraq, giáo sỹ Hồi giáo có ảnh hưởng ở Iraq Moqtada al-Sadr đang trở nên thích nghi với vai trò trung gian quyền lực của mình.

Điều này được thể hiện rõ ngay từ thông điệp mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cực đoan rằng “Iraq vì người dân Iraq, mà không có sự ảnh hưởng nước ngoài phi pháp nào.”

Thông điệp này được đưa ra sau khi liên minh chính trị “Sairoon” do giáo sỹ Sadr lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Khi đó, Nga khó có thể gây được tầm ảnh hưởng to lớn ở Iraq.

Thế nhưng, trong những chiến lược như vậy, Nga lại là một bậc thầy, và tầm ảnh hưởng mà nước này có thể rốt cục thâu tóm được vốn bắt đầu từ một vị trí tiếp cận nhỏ bé như vậy lại mang tính chất hoàn toàn khác thường.

Một ví dụ mới đây nhất cho điều này và cũng là một khuôn mẫu cho những chiến lược như vậy đối với bất kỳ siêu cường tham vọng nào, là việc “trao thưởng” một lô phát triển dầu khí cho đến nay vẫn chưa được biết đến cho một công ty cho đến nay vẫn chưa được biết đến của Nga vào thời điểm mà không ai biết rằng có thứ gì đó sắp được trao thưởng.

Điều cốt yếu và quan trọng để hiểu được mục đích đằng sau tuyên bố tăng gấp đôi (có thể gấp 3) nguồn đầu tư công khai của Nga vào Iraq chính là vì khu vực đầu tư này có ý nghĩa cốt lõi trong việc Nga củng cố sự hiện diện của mình ở miền Trung của khu vực Trung Đông và có thể giành được sự hiện diện quân sự đa tầng lớp ở Địa Trung Hải.

Một nguồn tin Iraq nhận định: “Nga có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với Mỹ để có được cảng Hắc Hải với khả năng tiếp cận với Địa Trung Hải khi Moskva sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Vì vậy, không có gì mà Nga không làm để có thể tăng cường sự hiện diện của mình ở Syria và ở tuyến trung chuyển và tiếp vận đến Syria, vốn bao gồm Iraq.”

Trong bối cảnh đó, khi ấy, hợp đồng khai thầu dấu khí ở Lô 17 thuộc tỉnh Anbar của Iraq và khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD được công bố hồi tuần trước, là một sự khôn ngoan hoàn hảo đối với Nga vì nước này muốn có được điều mà quân đội Mỹ từng gọi là “xương sống” của Nhà nước Hồi giáo nơi mà sông Euphrates chảy về hướng Tây vào Syria và hướng Đông vào Vịnh Persia.

Dọc theo “xương sống” này từ phía Đông sang phía Tây là những thành phố có quan điểm chống phương Tây một cách cực đoan cũng như có quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong các thành phố này có Banias và Tartus.

Điều “trùng hợp” khiến Nga thỏa mãn là hai thành phố này đều rất gần với Căn cứ Không quân Khmeimim có quy mô lớn và hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Mặc dù căn cứ này chỉ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015 được cho là nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, song Nga dường như đã thay đổi các kế hoạch chiến thuật của mình đối với căn cứ này, cũng đã ký hợp đồng thuê căn cứ này trong vòng 49 năm, với tùy chọn gia hạn thêm 25 năm.

Cách căn cứ này chỉ bằng một chuyến bay ngắn là trạm thu thập thông tin tình báo của Moskva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục