Các nhà khoa học Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc vừa nhất trí cùng hợp tác bảo vệ và phục hồi loài báo Viễn Đông và hổ Amur trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Kế hoạch trên được các chuyên gia nghiên cứu động vật thông qua trong cuộc họp bàn về việc thực hiện "Đề án nghiên cứu quá trình di cư vượt biên giới của những loài thú họ mèo quý hiếm" diễn ra tại thành phố Incheon (Hàn Quốc).
Với sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp Nga và Trung Quốc, giới nghiên cứu Hàn Quốc hy vọng rằng có thể phục hồi các quần thể động vật ăn thịt quý hiếm, vốn đã bị tuyệt chủng trên lãnh thổ nước này từ mấy chục năm trước.
Hiện lãnh thổ Hàn Quốc không còn hổ và báo hoang dã nữa, song các nhà khoa học khẳng định sẽ không từ bỏ hy vọng mang hai loài động vật này trở lại thiên nhiên.
Giáo sư Han Lee, Giám đốc Quỹ bảo tồn báo hoa mai và hổ của Hàn Quốc, cho biết thỏa thuận Incheon có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phục hồi quần thể động vật ăn thịt này.
Nhóm nghiên cứu đã cùng thảo luận phương pháp nghiên cứu di truyền phân tử dựa trên các dữ liệu thu được từ chất thải động vật ăn thịt. Theo kế hoạch, công việc dọn chất thải động vật sẽ được tiến hành trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc, sau đó các chuyên gia của 3 nước sẽ nghiên cứu ADN của loài động vật săn mồi này.
Các chuyên gia thực sự muốn biết hành trình di chuyển của loài động vật trên giữa hai nước - Nga và Trung Quốc, theo đó nắm được số lượng chính xác động vật đang sinh sống ở vùng biên giới.
Phương pháp nghiên cứu di truyền phân tử không chỉ giúp các chuyên gia biết được số lượng, giới tính các động vật đang sống trong khu vực nghiên cứu mà còn xác định được mối quan hệ giữa chúng và tập tính định cư của chúng ở vùng này, từ đó, có các biện pháp bảo tồn phù hợp.
Mặc dù chưa cung cấp chi tiết kế hoạch phục hồi hổ Viễn Đông trên bán đảo Triều Tiên, song nhóm nghiên cứu cho biết đã chọn khu rừng có diện tích 18 nghìn hécta gần biên giới với Triều Tiên để tiến hành nghiên cứu.
Dự kiến, kế hoạch phục hồi quần thể động vật ăn thịt quý hiếm trên có thể kéo dài hàng chục năm./.