Nga xin lỗi vì nhầm lẫn trong vụ máy bay Pháp áp sát máy bay Nga

Nga đã xin lỗi Pháp vì nhẫm lẫn trong vụ cáo buộc máy bay Pháp áp sát máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Nga khi chiếc máy bay này đang bay tại biên giới Pháp Thụy Sĩ.
Nga xin lỗi vì nhầm lẫn trong vụ máy bay Pháp áp sát máy bay Nga ảnh 1Cuộc họp Ủy ban an ninh giao thông quốc gia Pháp tại Paris ngày 19/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn báo chí địa phương cho biết Nga đã xin lỗi Pháp vì nhẫm lẫn trong vụ cáo buộc máy bay Pháp áp sát máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin khi chiếc máy bay này đang bay tại hành lang hàng không quốc tế trên biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ.

Trong hai ngày 19 và 20/10, giữa Pháp và Nga đã xảy ra sự cố ngoại giao sau vụ Nga cáo buộc máy bay quân sự Pháp áp sát máy bay chở đoàn đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga tới Geneva (Thụy Sĩ), tham dự Đại Hội đồng lần thứ 133 của Liên minh Nghị viện thế giới.

Ngày 19/10, Đại sứ Pháp tại Nga Jean-Maurice Ripert đã được mời lên Bộ Ngoại giao Nga để giải thích về hành động nguy hiểm này. Ngay lập tức sau đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Pháp đã ra thông cáo chung tuyên bố máy bay Pháp không can dự trong bất kỳ vụ việc nào với máy bay Nga trên không phận nước Pháp.

Trong ngày 20/10, Pháp đã phản đối cáo buộc của Nga bằng cách triệu Đại sứ Nga Alexander Orlov tại Paris để nói rằng không có máy bay nào của Pháp liên quan tới vụ việc mà Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc một cách sai lầm.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết theo một thỏa thuận giữa Pháp và Thụy Sĩ, Pháp cho phép Thụy Sĩ được tiến hành các chuyến bay ngang miền đông nước Pháp nhằm bảo vệ thành phố Geneva khỏi mọi nguy cơ bị tấn công và có thể do Nga chưa biết điều này nên đã có sự hiểu lầm trên đây.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cũng xác nhận chiếc máy bay được đề cập là máy bay chiến đấu F /A-18 của Thụy Sĩ; chiếc máy bay này khi đó đang tiến hành một chuyến bay kiểm tra không phận bình thường.

Các sự cố liên quan đến máy bay của Nga và các nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine vào đầu năm 2014.

Kể từ thời điểm đó, vùng trời tại khu vực này đã trở thành một không gian căng thẳng thường trực giữa các bên.

Vụ việc máy bay quân sự Thụy Sĩ áp sát ở khoảng cách "nguy hiểm" máy bay chở đoàn đại biểu Hạ viện Nga là sự cố ngoại giao tương tự với một hành động đã xảy ra không lâu trước đó khi Ba Lan cấm máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoïgou trên đường đến Slovakia, bay qua không phận Ba Lan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục