Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) ngày 26/2 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2014, theo đó ngân hàng này bị lỗ 3,5 tỷ bảng (khoảng 5,4 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với số lỗ 9 tỷ bảng (14 tỷ USD) trong năm 2013.
Đây là năm thứ bảy liên tiếp RBS làm ăn thua lỗ.
RBS cho biết kết quả kinh doanh năm 2014 bị tác động mạnh bởi vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Citizens - tập đoàn tài chính chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ và ngân hàng thương mại ở Mỹ do RBS nắm 100% cổ phần.
Trong vụ này, RBS bị thiệt hại 4 tỷ bảng (6,2 tỷ USD). Sau khi bán 25% cổ phần ở Citizens với tổng trị giá 3 tỷ USD hồi tháng 9/2014, RBS lại đang có kế hoạch bán tiếp 25% cổ phần ở tập đoàn tài chính này trong năm nay.
Bên cạnh đó, RBS cũng phải trích ra 2,2 tỷ bảng (tương đương 3,4 tỷ USD) để thanh toán các khoản phạt liên quan tới vụ bê bối sản phẩm bảo hiểm bảo vệ thanh toán (PPI) và sản phẩm lãi suất dành cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như vụ thao túng tỷ giá trao đổi ngoại tệ và sự cố kỹ thuật xảy ra từ năm 2012, khiến nhiều khách hàng không thể truy nhập vào tài khoản của họ.
Hiện RBS cũng đang phải đối mặt với khoản phạt từ nhà chức trách Mỹ vì dính líu tới vụ bê bối sản phẩm thế chấp trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này.
RBS cho biết ngân hàng này vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.
Nhờ đó, năm ngoái, RBS đã cắt giảm được khoảng 1,1 tỷ bảng (1,7 tỷ USD) chi phí hoạt động và dự kiến sẽ cắt giảm tiếp 800 triệu bảng (1,2 tỷ USD) trong năm nay.
Theo kế hoạch tái cơ cấu, RBS cũng đã cắt giảm mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng dành cho doanh nghiệp ở 38 nước xuống còn 13 nước.
Bên cạnh đó, RBS sẽ dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư ở Trung Đông và châu Phi, đồng thời giảm đáng kể sự hiện diện ở châu Á và Mỹ để tập trung vào thị trường Anh và Tây Âu.
Hiện Chính phủ Anh đang nắm giữ 81% cổ phần ở RBS sau khi ngân hàng này nhận gói cứu trợ trị giá 45 tỷ bảng (70 tỷ USD) để tránh bị sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Kể từ đó đến nay, RBS đã cắt giảm hơn 30.000 việc làm tại các chi nhánh trên toàn thế giới. RBS cũng đã tiến hành kế hoạch tách thành hai nhánh, một bên là "ngân hàng tốt" để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và hộ gia đình, một bên là "ngân hàng xấu" chuyên xử lý các khoản nợ tồn đọng từ năm 2008./.