'Ngân hàng không giấy' sẽ nở rộ khi công nghệ số phát triển

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, xu thế "ngân hàng không giấy" sẽ nở rộ là điều tất yếu đáp ứng nhu cầu của những khách hàng mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa thể đáp ứng được.
'Ngân hàng không giấy' sẽ nở rộ khi công nghệ số phát triển ảnh 1Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank. (Nguồn: Vietcombank)

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội và động lực cho các ngân hàng Việt Nam phát triển, đặc biệt trong việc ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá, dần dần xu thế "ngân hàng không giấy" sẽ nở rộ giúp cho ngành ngân hàng tiếp cận và cung cấp các sản phẩm cho khách hàng nhanh hơn. Mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu của những khách hàng mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa thể đáp ứng được đồng thời giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank - đây là một trong những ngân hàng có số lượng khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nhiều nhất - để hiểu rõ hơn về những vấn đề này.

- Phát triển ngân hàng số (các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội…) và giao dịch không giấy tờ ngày càng phát triển mạnh. Trong năm qua và kế hoạch 2018, Vietcombank đã có những bước thay đổi ra sao để bắt kịp xu thế này?

Ông Phạm Anh Tuấn: Phát triển các dịch vụ ngân hàng số không còn là lựa chọn mà là sự cần thiết phải thực hiện với mỗi ngân hàng để phù hợp với xu thế chung của thời đại, xu thế mà công nghệ số len lỏi trong tất cả các lĩnh vực và ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

[Ngân hàng số tại Việt Nam: Nỗi sợ mang tên "thủ tục pháp lý"]

Không nằm ngoài định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và đứng trước cơ hội, tiềm năng của thị trường Internet và Smartphone, ngay từ năm 2012 Vietcombank đã cho ra mắt dịch vụ Mobile Banking mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đầu tiên về dịch vụ ngân hàng di động ngay trên chiếc điện thoại cá nhân.

'Ngân hàng không giấy' sẽ nở rộ khi công nghệ số phát triển ảnh 2Hình chỉ mang tính minh họa. (Ảnh: engageemployee.com)

Với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam và không ngừng mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, Vietcombank đã ra mắt không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab giúp khách hàng có thể tận hưởng, trải nghiệm và cảm nhận về ngân hàng tự phục vụ thông qua việc áp dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại; dịch vụ VCB-Mobile B@nking phiên bản mới hết sức ấn tượng với thiết kế giao diện hiện đại, thân thiện, dễ dàng sử dụng…

Trong năm 2018, Vietcombank cũng sẽ cho ra đời sản phẩm hệ sinh thái trên thiết bị di động (Mobile Ecosystem) và hy vọng sẽ mang đến nhiều sự trải nghiệm mới đa dạng cho khách hàng.

- Thách thức đối với các tổ chức tín dụng là mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải được xem xét để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh AI, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử. Phía ngân hàng có những giải pháp gì trong năm 2018, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Quản trị thông minh, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, ngân hàng di động, thanh toán điện tử đang là xu hướng và là bước tiến của ngành ngân hàng và Vietcombank cũng không đứng ngoài xu thế phát triển đó.

Trong năm 2017, Vietcombank đã có những sự thay đổi cần thiết để có một hệ thống quản lý cũng như mô hình kinh doanh hiệu quả, giảm bớt các công đoạn, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các dịch vụ cung cấp.

Trong năm 2018, Vietcombank sẽ tiếp tục có những thay đổi để hoàn hiện hơn mô hình quản trị của mình như: Sắp xếp lại mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn của các phòng, ban, trung tâm của Vietcombank; đổi mới, giảm bớt các công đoạn giao dịch để có thể đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng; tăng cường chuyên môn hóa, xây dựng các nhóm chuyên biệt như chăm sóc khách hàng, giao dịch, quản lý thông tin, nhằm tạo hiệu quả cao nhất trong từng nhóm công việc.

Ngoài ra, với sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử, Vietcombank cũng sẽ thiết lập các bộ phận chuyên trách để quản lý, kiểm soát cũng như nâng cao hiệu quả của các dịch vụ này.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc áp dụng, chuyển đổi sang ngân hàng số, năm 2018 Vietcombank sẽ thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện tư vấn, đưa ra lộ trình cụ thể để hiện thực.

Không chỉ trong năm 2018, Vietcombank đã có những kế hoạch dài hạn nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị, mô hình kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu số hóa ngân hàng, tiến đến một mô hình ngân hàng hiện đại, thân thiện, hiệu quả và mang lại lợi ích tối đa đến cho khách hàng.

- Ngân hàng không giấy” sẽ nở rộ, về lâu dài theo ông yếu tố nhân lực, con người trong hệ thống có giảm bớt? Tuy nhiên đằng sau đó lại là yêu cầu trình độ chuyên môn cao, trí tuệ giỏi, thậm chí con người phải giỏi hơn “máy móc”. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Anh Tuấn: “Ngân hàng không giấy” sẽ nở rộ, đó là điều tất yếu của phát triển nhờ sự ứng dụng nền tảng công nghệ số khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Xu thế này sẽ giúp cho ngành ngân hàng nói chung và ngân hàng Vietcombank nói riêng tiếp cận và cung cấp các sản phẩm cho khách hàng nhanh hơn, phát triển, mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu của những khách hàng mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa thể đáp ứng được đồng thời giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng.

Khi áp dụng công nghệ để đổi mới, thay đổi và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ back-office cũng như cung cấp các dịch vụ số cho khách hàng, các ngân hàng đòi hỏi một lực lượng nhân sự chất lượng cao, nắm bắt và đón đầu các xu hướng công nghệ, có khả năng ứng dụng và làm chủ các thành tựu công nghệ thông tin, viễn thông trong các hoạt động ngân hàng nhằm đạt kết quả tốt nhất trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Yếu tố con người và yếu tố máy móc công nghệ là không thể tách rời, khi kết hợp tận dụng những điểm mạnh sẽ tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh để tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số cũng sẽ đặt ra những vẫn đề bảo mật khi tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng mạnh. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử có những diễn biến phức tạp. Để người dân yên tâm sử dụng dịch vụ , xin ông cho biết Vietcombank đã có những giải pháp cụ thể gì?

Ông Phạm Anh Tuấn: Trong vài năm gần đây, tội phạm công nghệ cao phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng xuất hiện các tội phạm có trình độ công nghệ thông tin chuyên sâu, thực hiện trên không gian mạng và được coi là điểm đến của các loại tội phạm thẻ quốc tế.

Để đảm bảo tăng cường an toàn trong các giao dịch thanh toán điện tử và thanh toán thẻ, Vietcombank luôn quán triệt và thực hiện, triển khai kịp thời các chỉ đạo, chính sách, quy định của Ngân hàng Nhà nước và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã chủ động áp dụng các biện pháp bảo mật để hạn chế rủi ro cho khách hàng như ưu tiên đầu tư các giải pháp, công nghệ đảm bảo cung cấp dịch vụ ổn định, liên tục, an toàn, đồng thời định kỳ thuê các đơn vị uy tín đánh giá mức độ an toàn của hệ thống để kịp thời phát hiện những điểm chưa được, cần khắc phục, nâng cao mức độ an toàn cho hệ thống; áp dụng các chuẩn mực quốc tế đối với hệ thống thanh toán và an ninh, bảo mật đối với hệ thống công nghệ thông tin như bộ tiêu chuẩn ISO 27001.

Hiện Vietcombank đang trong lộ trình đánh giá, thực hiện đáp ứng tuân thủ theo chuẩn PCIDSS của các Tổ chức thẻ quốc tế, cũng như đang trong lộ trình triển khai chuyển đổi 100% thẻ phát hành sang thẻ Chip nhằm tăng cường bảo mật tài khoản và thông tin thẻ cho khách hàng.

Đối với giao dịch ngân hàng trực tuyến, ngoài tên truy cập và mật khẩu truy cập, Vietcombank còn sử dụng mật khẩu một lần (OTP) đồng thời có các cơ chế kiểm soát thời gian khách hàng nhập loại mật khẩu đối với các giao dịch có tính rủi ro như đăng ký dịch vụ gia tăng, chuyển khoản... để tăng tính xác thực khách hàng.

Ngoài ra, đối với giao dịch chi tiêu trực tuyến qua thẻ, ngân hàng cũng đang tích cực triển khai giải pháp xác thực khách hàng trong chi tiêu trực tuyến. Đây là giải pháp tiên tiến nhằm định danh khách hàng thông qua việc cung cấp mã số xác thực trong quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến.

Vietcombank cũng cung cấp dịch vụ SMS chủ động cho khách hàng nhằm giúp khách hàng quản lý chi tiêu cũng như kịp thời nhận biết được các giao dịch giả mạo để kịp thời cảnh giác và khóa các dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ.

Vietcombank đưa ra giải pháp để khách hàng có thể chủ động cài đặt đóng/mở chức năng thanh toán trực tuyến đối với thẻ tín dụng nhằm giúp khách hàng có thể kiểm soát giao dịch thanh toán trực tuyến và đang trong lộ trình hoàn thiện đối với thẻ ghi nợ quốc tế

Ngoài ra, ngân hàng triển khai giải pháp giám sát realtime các giao dịch của chủ thẻ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo tới chủ thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ đối với các giao dịch bất thường.

- Xin cảm ơn ông!

Trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục