Ngân hàng: Kinh tế hồi phục tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng

Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ.
Ngân hàng: Kinh tế hồi phục tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, cho vay bất động sản.

Bứt phá ngay từ đầu năm

Theo các tổ chức tài chính nước ngoài, kinh tế Việt Nam có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi và các điều kiện bên ngoài khởi sắc.

Báo cáo mới công bố của HSBC cho biết sau khi giảm gần 4% trong năm 2021, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. HSBC cũng đánh giá động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là sản xuất đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện.

[Triển vọng và thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2022]

Chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhấn mạnh: "Dù chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam cũng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu."

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lạc quan đánh giá năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.

“Các gói hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Khi điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy cung-cầu về tín dụng,” VDSC nhận định.

Thực tế đã chứng minh cho nhận định lạc quan trên là hoàn toàn có cơ sở khi tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021 và tương đương lượng tín dụng được bơm ra trong tháng Một đạt gần 286.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

“Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới khá tích cực. Nhất là tại các địa phương kiểm soát dịch bệnh, doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi nhanh,” một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận.

Kỳ vọng vào tín dụng bán lẻ

Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ.

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ. VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới là trên 30%/năm.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng lạc quan cho rằng năm 2022, tất cả phân khúc chiến lược của ngân hàng này sẽ quay lại "đường ray" tăng trưởng, như tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ngân hàng: Kinh tế hồi phục tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng ảnh 2Tăng trưởng tín dụng từ năm 2018-2022. Đơn vị: %

Đặc biệt, vế bán lẻ, mảng cho vay bất động sản ngày càng được nhiều ngân hàng coi trọng. Dù Ngân hàng Nhà nước chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản, song lại khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống. Tuy chưa đưa ra kế hoạch tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, song lãnh đạo VPBank cho hay ngân hàng đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30%-35%.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) cho biết trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR).

Ngân hàng này đặt mục tiêu 2022 đạt quy mô tài sản 233.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20%-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.

Để hỗ trợ nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% nhưng sẽ được linh hoạt tùy diễn biến thực tế.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn nhưng điều có ý nghĩa ở đây không chỉ ở con số mà là thông điệp điều hành chính sách linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

“Điều đó cho thấy ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì sự mềm dẻo trong điều hành chính sách, vừa gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,” ông Thành nhấn mạnh.

Dù vậy, lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm… song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục