Ngân hàng lớn nhất Italy thua lỗ trong năm 2011

UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italy, thua lỗ ròng lên tới 9,21 tỷ euro trong năm 2011 so với mức lợi nhuận ròng 1,32 tỷ euro năm 2010.
UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italy và là một trong những ngân hàng hàng đầu châu Âu, đã thua lỗ ròng lên tới 9,21 tỷ euro (12,3 tỷ USD) trong năm 2011 so với mức lợi nhuận ròng 1,32 tỷ euro trong năm 2010.

Mức lỗ trên phần lớn đã được dự đoán sau khi tháng 11 năm ngoái, UniCredit công bố khoản lỗ ròng 10,64 tỷ euro trong quý 3.

Tuy nhiên, việc lãi ròng 114 triệu euro trong quý 4 năm ngoái, cao hơn nhiều mức dự báo 70 triệu euro của các nhà phân tích, đã cổ vũ tinh thần các nhà đầu tư.

Giám đốc điều hành của UniCredit Federico Ghizzoni cho rằng kết quả trong năm 2011 cho thấy khả năng phục hồi nhanh của tập đoàn trong một môi trường đầy thách thức.

Italy đã rơi vào suy thoái trong 6 tháng cuối năm ngoái và Thủ tướng Mario Monti đã phải chật vật thực hiện cắt giảm ngân sách và cải cách thị trường tự do nhằm thúc đẩy tăng trưởng kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 11.

UniCredit hiện tuyển dụng khoảng 160.000 nhân viên trên toàn thế giới. Việc tăng vốn của ngân hàng này vừa qua đã thành công bất chấp sự sụt giảm mạnh giá cổ phiếu, vốn gây quan ngại rằng các ngân hàng châu Âu sẽ không thể thu hút vốn khi khu vực sử dụng đồng euro 17 thành viên dường như rơi vào suy thoái.

Trước đó, UniCredit nói rằng họ sẽ không trả cổ tức cho các cổ đông. Doanh thu của UniCredit đã giảm 3,4% so với năm 2010 xuống 25,2 tỷ euro năm ngoái còn lợi nhuận hoạt động giảm 9,4%, xuống 9,7 tỷ euro.

UniCredit đã bị chấn động bởi sự thay đổi điều hành trong những tháng gần đây sau sự ra đi của Giám đốc điều hành Alessandro Profumo năm 2010.

Chủ tịch Dieter Rampl đã tuyên bố ông sẽ không ở lại ngân hàng này sau tháng 5. Trong khi đó, Profumo, từng bị cáo buộc tham gia vào một vụ gian lận thuế doanh nghiệp, lại được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành ngân hàng Banca Monte Dei Paschi di Siena.

Hiện nay căng thẳng giữa một bên là các cổ đông truyền thống của UniCredit - chủ yếu là các tổ chức ngân hàng Italy - với một bên là các cổ đông đang nổi gia tăng.

Quỹ Aabar của Abu Đabi hiện nắm cổ phần lớn nhất trong UniCredit với 6,5% cổ phần và Ngân hàng Trung ương Libya ước tính nắm giữ khoảng 2,7% cổ phần./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục