Ngân hàng lớn nhất Italy UniCredit ước lỗ​ khổng lồ gần 12 tỷ euro

UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italy, dự kiến sẽ công bố khoản lỗ lên tới 11,8 tỷ euro cho năm 2016, giữa lúc ngân hàng đang gặp khó khăn này đang phải nỗ lực nhằm huy động một khoản vốn khổng lồ.
Ngân hàng lớn nhất Italy UniCredit ước lỗ​ khổng lồ gần 12 tỷ euro ảnh 1

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italy, dự kiến sẽ công bố khoản lỗ lên tới 11,8 tỷ euro cho năm 2016, giữa lúc ngân hàng đang gặp khó khăn này đang phải nỗ lực nhằm huy động một khoản vốn khổng lồ.

Trong một tuyên bố được đưa ra đầu tuần này, UniCredit cho biết khoản lỗ 11,8 tỷ euro (12,6 tỷ USD) chủ yếu là do việc cơ cấu lại các khoản nợ khó đòi mà đã khiến ngân hàng này phải mất tới 12,2 tỷ euro, cũng như khoản lỗ bổ sung 1 tỷ euro do phải bán bớt phần vốn cổ phần trong quỹ đầu tư Atlante và một số quỹ khác. Nếu không tính hai khoản lỗ này, lợi nhuận ròng của UniCredit sẽ ở mức dương. Kết quả kinh doanh sơ bộ của UniCredit sẽ được công bố vào ngày 9/2 tới.

UniCredit đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ bị giảm gần một nửa hồi năm ngoái, mặc dù sau đó đã hồi phục khoảng 25% giá trị trong vòng 3 tháng qua, nhất là sau khi ngân hàng này công bố một chiến lược mới vào tháng 12/2016. Hồi đầu tháng 1/2017, các cổ đông của UniCredit đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 13 tỷ euro.

Tân Chủ tịch UniCredit Jean-Pierre Mustier cho biết kế hoạch tăng vốn sẽ diễn ra trước ngày 10/3, nhưng các nguồn tin báo chí cho rằng nó có thể được thực hiện vào tuần tới và hoàn tất vào cuối tháng 2/2017. Ông Mustier, lên nhậm chức hồi tháng 7/2016, đã thúc đẩy một chiến lược cải tổ quan trọng theo đó bán bớt các tài sản nhằm tăng vốn cho ngân hàng này.

UniCredit cũng cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 14.000 việc làm từ nay cho đến cuối năm 2019 như một phần trong nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí. Ước tính kế hoạch cắt giảm nhân công này sẽ giúp UniCredit tiết kiệm được 1,1 tỷ euro.

Khu vực ngân hàng của Italy vừa trải qua một năm đầy ác mộng, nhất là đối với Monte dei Paschi di Siena (BMPS), ngân hàng lâu đời nhất thế giới và lớn thứ ba Italy. BMPS dự kiến sẽ bị quốc hữu hóa sau kế hoạch huy động vốn không thành công hồi tháng 12/2016.

Niềm tin của các nhà đầu tư ở Italy hiện đang bị lung lay sau sự sụp đổ của Chính phủ Matteo Renzi cuối năm ngoái, mặc dù tình hình đã bớt căng thẳng hơn kể từ hồi tháng trước sau khi Chính phủ Paolo Gentiloni thông qua một kế hoạch cứu trợ trị giá 20 tỷ euro nhằm giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục