Ngân hàng mạnh tay ‘siết’ cho vay bất động sản: Thận trọng vẫn hơn

Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cho vay bất động sản ồ ạt của một số ngân hàng, đặc biệt là việc thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây lên hệ lụy cho nền kinh tế.
Ngân hàng mạnh tay ‘siết’ cho vay bất động sản: Thận trọng vẫn hơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Trong những ngày cuối tháng 3/2022, một số ngân hàng có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản trước chủ trương kiểm soát rủi ro ở lịnh vực này.

Bất động sản tăng phi mã, ngân hàng vẫn 'siết' tín dụng

Giá bất động sản không ngừng tăng từ đầu năm đến nay, sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Tín dụng ngân hàng quý 1 cũng tăng hơn 5%, gấp 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái, riêng tín dụng tháng Ba tăng tới hơn 2%.

Để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng ồ ạt, một số ngân hàng vừa phải chỉ đạo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay vào lĩnh vực này. Sacombank đã ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022.

Hiện ngân hàng này tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

[Thủ tướng: Cần kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, tránh đầu cơ]

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…

Trước đó, Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.

Theo đó, ngân hàng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.

Trong khi đó, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết ngân hàng  này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng.

"Bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường," ông Thành cho biết thêm.

Được biết trong danh mục cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước "khóa cứng" tỷ lệ 8%, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng . Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị tuýt còi.

Thực tế, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.

Vì vậy, tăng trưởng cho vay với lĩnh vực này cũng dần hạ nhiệt từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức này trong năm 2021. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18%-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cho vay bất động sản ồ ạt của một số ngân hàng, đặc biệt là việc thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây lên hệ lụy cho nền kinh tế.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát.

Theo ông Nghĩa, xét về cơ cấu phát hành trái phiếu năm qua có đến hơn 50% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, 30% từ ngân hàng. Điều này có nghĩa là hơn 80% trái phiếu phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất. Phần lớn khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua không có bóng dáng của các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như lĩnh vực bất động sản.

Chuyên gia lưu ý có tình trạng vốn cho vay của ngân hàng dùng cho các công ty "sân sau " của bất động sản. Ông Nghĩa cho rằng đây là một dấu hiệu đáng lo ngại khi mức độ cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Điển hình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong đó chủ yếu là đầu tư vào bất động sản.

Việc này cũng là lời cảnh tỉnh cho các ngân hàng khi tham gia vào bảo lãnh số lượng trái phiếu lớn của các doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro và làm sạch quan hệ sở hữu chéo của ngân hàng với doanh nghiệp sân sau, song theo các chuyên gia, mối quan hệ này ngày càng phức tạp và không dễ kiểm soát.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán của những doanh nghiệp có biểu hiện chưa lành mạnh, mang tính chất đầu cơ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện.

"Chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp," Phó Thống đốc nói.

Theo lãnh đạo ngành ngân hàng, các ngân hàng  phải dựa vào tỷ lệ hiện cho vay đối với lĩnh vực này so với tổng dư nợ của ngân hàng mình, cân đối nguồn vốn và các tỷ lệ an toàn vốn... để hạn chế hay là siết dòng vốn đối với kinh doanh bất động sản.

Không chỉ siết vay vốn, Thông tư 16/2021/TT-NHNN cũng quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục