Ngân hàng Nhà nước lý giải về những quy định mới cấm cho vay

Ngân hàng Nhà nước khẳng định mục đích của Thông tư 06 là nhằm góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước lý giải về những quy định mới cấm cho vay ảnh 1Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước vừa lên tiếng về các trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN đang có tranh cãi hiện nay.

Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Tuy nhiên, Thông tư 06 hiện đang tạo nên ý kiến nhiều chiều. Mới đây nhất, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa Thông tư này để khơi thông tín dụng bất động sản.

[Ngân hàng 6 tháng đầu năm: Lãi vay đã giảm tới 3%/năm]

HoREA lo ngại một số điều khoản tại Thông tư này giống như dựng thêm “rào chắn” làm cho việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn so với trước đây, trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng vốn được coi là “phao cứu sinh” để doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện nay. Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang gặp khó, doanh nghiệp bất động sản cũng chưa thể huy động được nguồn vốn từ khách hàng do dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thể triển khai, thực hiện.

Liên quan đến lo lắng của doanh nghiệp, trong thông báo gửi tới báo chí hôm nay (18/6), Ngân hàng Nhà nước khẳng định mục đích của Thông tư 06 là nhằm góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Vấn đề gây lo ngại nhất của Thông tư 06 là bổ sung thêm một loạt quy định về một số nhu cầu vốn tổ chức tín dụng không được cho vay. Trên thực tế, những nhu cầu vốn cho vay này trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các văn bản cảnh báo tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền. Theo Ngân hàng Nhà nước, thực tiễn thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát có phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.

Ngân hàng Nhà nước lý giải về những quy định mới cấm cho vay ảnh 2Thông tư quy định TCTD không được cho vay góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán . (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đó, Thông tư 06 bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.

Thứ 2, Thông tư quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Với quy định này, Ngân hàng Nhà nước lý giải phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh là vốn điều lệ của công ty trên báo cáo tài chính, do vậy nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty. Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc tổ chức tín dụng cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro do.

Thứ 3, tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định; đồng thời, để đảm bảo kiểm soát rủi ro, trường hợp tổ chức tín dụng cho khách hàng vay đối với nhu cầu vốn này, Thông tư 06 bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Ngân hàng Nhà nước lý giải về những quy định mới cấm cho vay ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ tư, tổ chức tín dụng không được cho vay để bù đắp tài chính. Theo quy định tại Thông tư 06, cho vay bù đắp tài chính là việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để bù đắp các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng, vốn vay từ cá nhân, tổ chức (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống.

Ngân hàng Nhà nước lý giải việc cho khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch. Ví dụ như không có hồ sơ, tài liệu đủ tin cậy chứng minh cho phương án vay vốn của khách hàng, nhiều trường hợp cho vay bù đắp nhu cầu phục vụ đời sống như để thanh toán giao dịch phát sinh từ lâu (5 năm, 10 năm trước đây) và chứng từ là giấy tờ viết tay mượn tiền giữa các cá nhân để mua bất động sản/hàng hóa thường với số tiền giá trị khá lớn... tổ chức tín dụng khó xác định nguồn tiền mà khách hàng đã ứng trước, không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân cho vay...

Vì vậy, Thông tư 06 đã bổ sung cho phép tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện cho vay đối với trường hợp này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, qua đó, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục