Ngân hàng Nhật vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng

Ngân hàng Nhật Bản quyết định sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng và không thay đổi đánh giá về kinh tế trong nước.

Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) ngày 21/11 quyết định sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng và không thay đổi đánh giá về kinh tế trong nước đồng thời khẳng định kinh tế Nhật “đang phục hồi vừa phải” bất chấp sự giảm tốc trong lĩnh vực xuất khẩu.

Sau cuộc gặp hai ngày, Ban Chính sách gồm 9 thành viên của BoJ quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn đề ra hồi tháng 4/2013, mà trọng tâm của chính sách này là tăng gấp đôi lượng tiền cơ sở và tăng mua trái phiếu chính phủ để đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm.

Quyết định trên xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế trong nước dường như đang trên đà khắc phục tình trạng giảm phát với việc giá tiêu dùng tăng dần và nhu cầu trong nước vẫn ở mức cao nhờ tăng đầu tư công. Về tiêu dùng tư nhân, BoJ cho rằng tình hình vẫn “còn khá sôi động” với những cải thiện trong vấn đề việc làm và thu nhập.

Liên quan đến các nền kinh tế khác, BoJ khẳng định các nước này về tổng thể “đang khởi sắc” mặc dù kết quả vẫn còn khá mờ nhạt.

Về triển vọng kinh tế, BoJ cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này “được cho là sẽ tiếp tục phục hồi ổn định” trong khi Nhật Bản vẫn phải đối mặt với “mức độ bất ổn cao,” bao gồm triển vọng của vấn đề nợ công châu Âu, những biến động ở các nền kinh tế mới nổi và tốc độ phục hồi trong nền kinh tế Mỹ.

Hồi đầu tháng, Chính phủ Nhật Bản cho biết kinh tế Nhật Bản giàm đà tăng trưởng xuống mức 1,9% trong quý 2 (tính từ tháng 7-9/2013), sau khi đạt mức tăng tưởng 3,8% ở quý trước trong bối cảnh chi cho tiêu dùng bị đình đốn và nhu cầu ở nước ngoài giảm do suy giảm ở một số nền kinh tế mới nổi.

Dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 cho thấy xuất khẩu giảm 0,6% giảm lần đầu tiên trong ba quý sau khi tăng tới 2,9% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2013 trong khi tiêu dùng tăng 0,1% thực tế sau khi tăng 0,6% trong quý trước.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết việc nới lỏng tiền tệ của BoJ đang tạo ra những tác động tích cực và rằng ngân hàng trung ương đang dần tiến đến mục tiêu về giá khi giá tiêu dùng bắt đầu tăng.

Hồi tháng 9/2013, Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này tăng nhờ giá điện và giá khí đốt tăng cũng như giá cả một số hàng hóa bền vững tăng.

Khác với cách tính của Việt Nam, năm tài chính của Nhật Bản được tính từ tháng Tư nên quý 1/2013 sẽ là tháng 4-6/2013 và quý 2/2013 sẽ tính từ tháng 7-9/2013.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục