Ngân hàng Qatar khẳng định khả năng đối phó khủng hoảng

Ngân hàng Trung ương Qatar ngày 10/7 khẳng định khoản dự trữ 340 tỷ USD có thể giúp nước này đối phó với sự cô lập của các nước láng giềng Arab.
Ngân hàng Qatar khẳng định khả năng đối phó khủng hoảng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Ngân hàng Trung ương Qatar ngày 10/7 khẳng định khoản dự trữ 340 tỷ USD có thể giúp nước này đối phó với sự cô lập của các nước láng giềng Arab.

Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, Thống đốc ngân hàng Sheikh Abdullah Bin Saoud al-Thani cho biết ngân hàng trung ương có khoảng 40 tỷ USD dự trữ cộng thêm vàng dự trữ trong khi cơ quan Đầu tư Qatar có 300 tỷ USD dự trữ có thể dùng để thanh toán. Ông al-Thani tuyên bố Doha có đủ tiền mặt để đương đầu với "bất kỳ cú sốc nào".

Các chỉ số chứng khoán Qatar đã giảm điểm trong khi đồng riyal trở nên bất ổn tại một số thị trường sau khi một loạt nước Arab trong đó có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới Qatar vẫn không có dấu hiệu lắng dịu, ngày 9/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện các chuyến "ngoại giao con thoi" giữa các nước vùng Vịnh.

[Ba nước vùng Vịnh rút 16 tỷ USD tiền gửi khỏi ngân hàng Qatar]

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Erdogan bày tỏ mong muốn tới khu vực này một lần nữa. Theo ông, thông qua các chuyến thăm khu vực dự kiến sau ngày 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ có thể góp phần tái lập đối thoại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang lên kế hoạch tới Qatar, Kuwait và đặc biệt là Saudi Arabia.

Kế hoạch công du tới vùng Vịnh nói trên được nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trong khi đang trên đường trở về nước sau khi đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức.

Ông Erdogan cho biết đã thảo luận cuộc khủng hoảng vùng Vịnh với hai người đồng cấp Mỹ và Nga, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại.

Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh không nên coi chuyến công du sắp tới của ông như một nỗ lực trung gian hòa giải bởi Kuwait đã đóng vai trò là một nhà trung gian và Ankara ủng hộ những nỗ lực của Kuwait.

Ngày 5/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục