Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện đến giai đoạn cuối song cũng là giai đoạn quyết định, quan trọng nhất đồng thời cũng khó khăn nhất.
Ở chặng cuối của lộ trình, hệ thống ngân hàng Việt Nam dường như đã được khoác trên mình chiếc áo mới.
Tuy nhiên, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đi đúng lộ trình và về đích đúng thời hạn cần những giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu này trong thời gian tới đang là vấn đề được đặt ra cho nhà điều hành.
Ngay từ đầu năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (2011-2015) mới tập trung xử lý những ngân hàng yếu kém nhất, đó là những mắt xích có thể đứt vỡ bất kể lúc nào.
Sang giai đoạn 2 sẽ làm đồng bộ hơn, toàn diện hơn, tái cơ cấu không chỉ ngân hàng yếu, kể cả ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu để tốt hơn, bền vững hơn. Còn những ngân hàng ở mức trung bình, cần tái cơ cấu để vững chắc hơn, trở thành những ngân hàng tốt hơn.
Khẳng định tái cơ cấu là quá trình thường xuyên liên tục, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, đối với các tổ chức tín dụng đã được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với tất cả các tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được tái cơ cấu lại một cách triệt để, trên tinh thần khuyến khích tự tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập tự nguyện nhưng trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường năng lực quản trị của hệ thống tổ chức tín dụng thông qua các cơ chế mới về công bố, minh bạch thông tin, khuyến khích tổ chức tín dụng cổ phần niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng cổ phần, triển khai các quy trình chính sách kinh doanh nội bộ lành mạnh, phát triển hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp kiểm soát và xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của tổ chức tín dụng; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.
Giới chuyên gia nhận định, để vượt qua thách thức hoàn thành thắng lợi Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm.
Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, ngay trong năm 2015 này, hệ thống các tổ chức tín dụng cần được hình thành trên cơ sở đảm bảo đầy đủ năng lực cạnh tranh của toàn bộ hệ thống cũng như của từng ngân hàng thương mại, không chỉ trên thị trường tài chính tín dụng trong nước mà còn cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế với hàng loạt các cam kết song phương và đa phương được thực thi sau năm 2015, điển hình là tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ đầu năm 2016, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định tự do thương mại với EU, Á-Âu, Hàn Quốc.
Cụ thể, ông Vũ Đình Ánh đề xuất, cần kiểm tra đánh giá hiệu quả tất cả những đề án cơ cấu lại đã thực hiện từ cuối năm 2011 đến nay để có những bổ sung điều chỉnh kịp thời tránh tình trạng cứ có đề án là coi như đã hoàn thành cơ cấu sắp xếp lại.
|
Cùng với đó là xử lý vấn đề sở hữu chéo, khắc phục sự thiếu công khai minh bạch trong sở hữu các ngân hàng thương mại, trên cơ sở đó kiểm soát việc tuân thủ thật sự các quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức trong các ngân hàng thương mại, đồng thời gắn kết với tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và yêu cầu về quy mô vốn đối với mỗi ngân hàng thương mại.
“Cơ cấu lại tổ chức tín dụng không chỉ nhằm lành mạnh hóa từng tổ chức tín dụng mà còn tạo tiền đề xây dựng một số tổ chức tín dụng mạnh tầm cỡ khu vực và quốc tế theo mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng," tiến sỹ Vũ Đình Ánh nói.
Cùng quan điểm với ông Vũ Đình Ánh, tiến sỹ Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu như mong muốn cần phải tiếp tục có những giải pháp nhằm đảm bảo cho hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả hơn, từng bước nâng cao năng lực quản trị điều hành của hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, ông Lê Văn Phước cũng đề xuất cần có cơ chế thanh lọc cơ cấu cổ đông nhằm loại trừ sự liên kết móc ngoặc giữa các cổ đông. Điều đó sẽ đảm bảo cho thành công của quá trình tái cơ cấu này không bị đảo ngược.
Bên cạnh đó, trong quá trình này, các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, bởi nguồn nhân lực tốt tham gia quản trị điều hành từ các ngân hàng này sẽ giúp cho quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công đòi hỏi phải có những cải cách pháp lý sâu rộng gắn liền với các cấu phần khác của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế như tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách hành chính.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cơ quan này sẽ tích cực nghiên cứu, xây dựng và điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngân hàng không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm quốc tế và khu vực.
Kết quả tái cơ cấu đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là tiền đề để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
“Tóm lại, trong giai đoạn quyết định cơ cấu lại các tổ chức tín dụng năm 2015 cần quán triệt nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết, đồng bộ và có tầm nhìn xa. Hy vọng chỉ sau hơn 4 năm trải qua cuộc 'lột xác' toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng theo hướng lớn hơn, mạnh hơn, khả năng xử lý và kiểm soát nợ xấu tốt hơn, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế mới,” tiến sỹ Vũ Đình Ánh nói./.
Bài 1: Ngành ngân hàng và những cuộc mua lại "nhà băng" giá 0 đồng
Bài 2: Ngân hàng sang trang mới: Hợp nhất, sáp nhập tạo quy mô lớn
Bài 3: Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong ngành ngân hàng được cải thiện