Ngân hàng Thế giới viện trợ phát triển giao thông xanh tại Việt Nam

Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ ủy thác cho Ngân hàng Thế giới viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam phát triển giao thông xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng trị giá là 10,5 triệu USD.
Ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh,” ngày 15/1. (BTC/VietnamPlus+)
Ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh,” ngày 15/1. (BTC/VietnamPlus+)

Ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh” với tổng giá trị 10,5 triệu USD.

Cụ thể, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh” có tổng mức đầu tư là 10,7 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác cho Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá là 10,5 triệu USD và vốn đối ứng là 202 ngàn USD do ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh bố trí.

[Phản hồi việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ]

Theo đó, cơ quan chủ quản của dự án sẽ là Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Dự án này bổ sung cho dự án Phát triển Giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh và giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao ở đây.

Các hợp phần tại dự án bao gồm: Phát triển đô thị tích hợp theo định hướng giao thông công cộng, trong đó giao thông được tích hợp với sử dụng đất và thiết kế đô thị,  xây dựng các cơ chế hợp tác công tư (PPP) và cơ chế nắm bắt giá trị sử dụng đất. Mặt khác, quy hoạch giao thông để tăng cường kết nối, hỗ trợ tích hợp hệ thống BRT với các loại hình vận tải khác cũng như khả năng kết nối của giao thông không động cơ để có giải pháp kết nối đến tận/từ các trạm BRT.

Ngoài ra, dự án cũng tăng cường năng lực quản lý dự án cho các đơn vị trong việc thực hiện dự án chính cũng như các hoạt động trong khuôn khổ khoản tài trợ bổ sung và năng lực quản lý của các cơ quan chức năng liên quan.

Cục kinh tế liên bang Thụy Sĩ trực thuộc Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ (EAER). Chiến lược hợp tác phát triển của SECO tại Việt Nam là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững để cải thiện đời sống người dân.

Từ năm 2008 tới nay, SECO ủy thác qua Ngân hàng Thế giới quản lý tổng số tiền viện trợ không hoàn lại lên tới hơn 150 triệu USD để thực hiện các chương trình, dự án tại Việt Nam. Lĩnh vực tài trợ tập trung chủ yếu vào quản lý tài chính công, phát triển đô thị bền vững, ứng phó chống biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục