Ngày 14/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất cơ bản, đồng thời xác nhận đẩy nhanh việc chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu để kích thích kinh tế, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cân nhắc giữa việc kìm hãm lạm phát tăng cao kỷ lục với triển vọng kinh tế ngày một xấu đi vì xung đột Nga-Ukraine.
Theo thông báo của ECB sau cuộc họp chính sách, các mức lãi suất quan trọng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
[Các thành viên ECB chia rẽ về cách thức ứng phó với lạm phát]
Các mức lãi suất chủ chốt này sẽ được duy trì cho tới khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. ECB cũng có kế hoạch chấm dứt việc mua trái phiếu, thường được gọi là chương trình "nới lỏng định lượng" vào quý 3 với đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ được tiến hành một thời gian sau đó.
Trong nhiều tháng qua, ECB đã giảm quy mô của các gói kích thích kinh tế, nhưng cho đến nay vẫn tránh đưa ra cam kết về thời điểm chấm dứt hoàn toàn chương trình này, do lo ngại rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao có thể đảo ngược đà phục hồi kinh tế của khu vực.
Nền kinh tế của khối hiện đang đình trệ, ảnh hưởng tới các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong khi đó, lạm phát của Eurozone hiện đang ở mức cao kỷ lục 7,5% và nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa.
Nhà kinh tế Nick Kounis của ABN Amro từng nhận định: "Với mức độ bất ổn tăng cao, ECB có thể sẽ muốn duy trì tính tùy chọn và linh hoạt trong chính sách của mình. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ gia tăng, với động tái dễ xảy ra nhất trong những tháng tới là chấm dứt hoạt động mua tài sản ròng và sau đó là tăng lãi suất chủ chốt"./.