Các thành viên ECB chia rẽ về cách thức ứng phó với lạm phát

Trong khi một số thành viên ECB ưu tiên "cách tiếp cận chờ và xem," một số thống đốc muốn có thêm các biện pháp để chống lạm phát, vì căng thẳng Nga-Ukraine đang đẩy giá cả tăng cao.
Các thành viên ECB chia rẽ về cách thức ứng phó với lạm phát ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất đồng về cách thức ứng phó với lạm phát đang tăng vọt và sự bất ổn kinh tế do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra.

Trong cuộc họp hồi tháng Ba, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí nhanh chóng giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong quý 2, đồng thời đảm bảo điều chỉnh linh hoạt thời điểm kết thúc chính sách kích thích kinh tế.

Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất sau "một thời gian" sau khi kết thúc chiến lược mua trái phiếu.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp được công bố ngày 7/4 lại cho thấy một lượng lớn các nhà hoạch định chính sách cho rằng mức lạm phát cao hiện nay và sự dai dẳng của tình trạng này đòi hỏi cần ngay lập tức có các biện pháp tiếp theo hướng tới bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Một số thống đốc muốn có thêm các biện pháp để chống lạm phát, vì căng thẳng Nga-Ukraine đang đẩy giá năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô tăng cao.

Trong số những người kêu gọi hành động này, một số thành viên đề xuất xác định thời điểm cụ thể để chấm dứt chương trình thu mua trái phiếu trong mùa Hè.

Điều này có thể dọn đường cho một đợt tăng lãi suất có thể xảy ra trong quý 3 năm nay trong bối cảnh triển vọng lạm phát xấu đi.

[ECB khẳng định kinh tế châu Âu sẽ không rơi vào suy thoái]

Trong khi đó, các thành viên khác lại ưu tiên "cách tiếp cận chờ và xem" do tình hình bất ổn vì căng thẳng Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.

Trong nhiều năm qua, ECB đã duy trì chính sách tiền tệ lỏng, đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tích trữ hàng tỷ euro trái phiếu mỗi tháng để đảm bảo dòng tín dụng chảy vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giống như các ngân hàng trung ương khác, ECB hiện phải đối mặt với thách thức kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng một cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine sẽ khiến giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao, gây ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi sau dịch COVID-19.

Trong tháng Ba vừa qua, lạm phát của Eurzone đã tăng lên mức cao kỷ lục 7,5%, vượt xa mục tiêu 2% của ECB.

Yếu tố này được xem là trở ngại lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 của "Lục địa già."

ECB dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống 1,9% vào năm 2024 khi "cú sốc" năng lượng giảm nhiệt./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục