Ngành dệt may và da giày kỳ vọng vào Hiệp định UKVFTA

Theo các doanh nghiệp dệt may, da giày, Hiệp định UKVFTA sẽ mở thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đẩy mạnh thương mại vào thị trường giàu tiềm năng này.
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.

Theo các doanh nghiệp dệt may, da giày, hiệp định sẽ mở thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa, đẩy mạnh thương mại vào thị trường giàu tiềm năng này.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, hiện hàng hóa của Việt Nam chỉ chiếm phần rất nhỏ 1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của Anh. Do vậy, với UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm lợi thế để đưa hàng sang Anh, đặc biệt trong bối cảnh Anh rời Liên minh châu Âu, các ưu đãi trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) không còn được áp dụng.

Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng trưởng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua Hiệp định UKVFTA. Hiện tại, ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch.

Ngoài ra, với những cam kết về cộng gộp đối với nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và EU sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may thúc đẩy mở rộng nguồn cung nguyên liệu trong ngành để tận hưởng ưu đãi, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

[UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực với cả Việt Nam và Anh]

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, cùng với các Hiệp định khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), EVFTA được ký kết trong năm nay, UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau.

Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việcc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có.

Chính phủ Anh cũng như các nước châu Âu đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 triệt để. Theo ông Giang, nhu cầu trong năm 2021-2022 về các sản phẩm may mặc, tiêu dùng sẽ tăng lên, tuy nhiên, để thuận lợi xuất khẩu hàng sang thị trường này, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến xuất xứ sản phẩm cũng như các rào cản kỹ thuật chặt chẽ.

Ngành dệt may và da giày kỳ vọng vào Hiệp định UKVFTA ảnh 1(Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, ông Giang cho hay, doanh nghiệp cần chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác như trong thời gian dịch bệnh vừa qua các doanh nghiệp đã làm rất tốt. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường... cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu.

“Khối EU, Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ... sẽ là những thị trường hàng đầu và Hiệp hội sẽ có những kế hoạch cụ thể để cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại, xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về cơ hội, thuận lợi và những lưu ý của ngành này tới các doanh nghiệp, để từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách hiệu quả thị trường,” ông Giang nói.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) phân tích thêm, với UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước trong khu vực ASEAN.

Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và Vương quốc Anh trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa. Theo đó, đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh về cơ bản kế thừa các cam kết trong EVFTA. Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 6 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp dệt may, da giày là rất lớn song nút thắt lớn của ngành hàng này vẫn là quy tắc xuất xứ và nguyên liệu sản xuất đầu vào.

Ông Thân Đức Việt, đại diện Tổng công ty cổ phần May 10 cho hay, May10 sẽ tích cực kết nối giữa các doanh nghiệp "đầu vào" và "đầu ra" để gỡ dần nút thắt này, tìm lối ra cho vấn đề quy tắc xuất xứ cho dệt may.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, tương tự như dệt may, da giày cũng gặp nhiều vướng mắc. Da thuộc trong ngành da giày cũng tương đồng với yêu cầu xuất xứ của vải trong ngành dệt nhuộm.

Mặt khác, nhiều quy định về xuất xứ có sự thay đổi, cập nhật, do vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, phía cơ quan Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thể tận dụng hết cơ hội do các hiệp định mang lại; trong đó có UKVFTA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục