'Ngành Giáo dục đã vượt lên chính mình để đạt kết quả toàn diện'

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả nổi bật ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020.
'Ngành Giáo dục đã vượt lên chính mình để đạt kết quả toàn diện' ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trực tuyến cùng tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả nổi bật ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngành Giáo dục đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình để đạt được những tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt. Có thể, giáo dục năm nào cũng có “chuyện nọ, chuyện kia” nhưng nếu chỉ nhìn từng vụ việc thì sẽ theo hướng cực đoan. Chúng ta không thể vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết trong quá trình đổi mới mà làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục."

[Năm học đặc biệt chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục]

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực của hơn 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng triệu cựu giáo viên đã dồn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân luôn dành sự quan tâm lớn cho giáo dục.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo để có đủ trường lớp, giáo viên, học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi. Đồng thời, giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào ở các cấp học.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục mà điều cụ thể đầu tiên là từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Cùng với đó, giáo dục phải hội nhập quốc tế, điều gì đã là xu hướng thế giới thì nhất định không đi ngược lại.

Phó Thủ tướng lưu ý để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc.

Phó Thủ tướng cho rằng đổi mới giáo dục là một quá trình, không chỉ trong 1-2 năm. Chỉ riêng đổi mới thi cử đã mất 6 năm. Sách giáo khoa mới bước vào năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên trục trặc xảy ra là không tránh khỏi. Điều quan trọng, chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Do vậy, ngay từ năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa mới, ngành Giáo dục cần nghiêm khắc chấn chỉnh những mặt còn chưa tốt và tiếp tục kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.

Chia sẻ về năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh Năm học qua là năm học “đặc biệt,” đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.

Song đến nay, có thể khẳng định ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.

Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.

Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải, có thể ảnh hưởng tới một thế hệ học sinh.

Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 thành 2 đợt phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng hơn.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây.

Bộ đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhằm “cởi trói” cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục