Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam cho hay ngành lọc máu Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á và có bước phát triển mạnh mẽ tiếp cận với trình độ hiện đại của lọc máu thế giới.
Điển hình với các kỹ thuật như lọc máu chu kỳ, thẩm tách siêu lọc máu bằng dịch bù trực tiếp (HDF online), hấp phụ máu...
Tại Hội nghị Khoa học lần thứ II của Hội lọc máu Việt Nam vừa diễn ra gần đây, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có 350 đơn vị chạy thận nhân tạo với nguồn nhân lực 3.500 cán bộ thầy thuốc, số máy chạy thận nhân tạo là hơn 5.500 máy đang thực hiện lọc máu cho khoảng 33.000 bệnh nhân.
[Người bị bệnh thận có nguy cơ tử vong cao hơn nếu mắc COVID-19]
Với số bệnh nhân suy thận cần lọc máu quá lớn đã xảy ra tình trạng trang thiết bị cho lọc máu còn thiếu, quá tải ở một số đơn vị chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân phải chia ca, thậm chí phải chạy thận ca đêm.
“Dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua và được đánh giá cao, tuy nhiên, lọc máu Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức trước đòi hỏi của thực tiễn khi bệnh nhân suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng. Vì vậy, ngành lọc máu Việt Nam cần tiếp tục có sự quan tâm của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về chế độ, chính sách và công tác đào tạo nguồn nhân lực,” Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng phân tích.
Tại Việt Nam, nhu cầu ghép thận là rất lớn nhưng hiện chỉ có khoảng 4.500 người được ghép thận. Con số này dự báo tăng trong những năm tiếp theo điều đó đặt ra nhiều thách thức cho ngành lọc máu Việt Nam.
Theo Hội Lọc máu Việt Nam, hiện nay tại nhiều cơ sở y tế đã xuất hiện tình trạng trang thiết bị cho lọc máu còn thiếu, quá tải ở một số đơn vị chạy thận nhân tạo. Đặc biệt, có nhiều nơi các trang thiết bị phục vụ lọc máu còn chậm thay thế. Có hơn 900 máy chạy thận (tương đương hơn 18%) có tuổi đời trên 10 năm, nghĩa là máy hết hạn sử dụng, phải thay thế.
Do số lượng máy chạy thận nhân tạo ít, nhân lực ít, số bệnh nhân đông nên nhiều đơn vị phải chạy 3 ca, 4 ca thậm chí 5 ca một ngày. Chính điều này gây áp lực rất lớn lên nhân viên y tế. Theo khảo sát, có trung tâm lọc máu, một bác sỹ phụ trách tới 37 máy thận nhân tạo, gây khó khăn khi xử lý các biến chứng xảy ra trong lọc máu, hoặc có trung tâm một bác sỹ phụ trách tới 125 bệnh nhân thận nhân tạo.
Theo Hội lọc máu Việt Nam (VDA), trên thế giới, ước tính năm 2018 có trên 850 triệu người bệnh thận mạn. Tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là 10.4% 11.8% và 5,3-10,5 triệu người điều trị thay thế thận.
Thống kê của ngành y tế cho thấy cùng với gia tăng bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp, bệnh nhân thận mạn tính giai đoạn cuối và suy thận có chỉ định lọc máu chu kỳ (chạy thận nhân tạo) không ngừng gia tăng, vì suy thận là biến chứng nguy hiểm của hai bệnh trên.
Những bệnh lý về thận thường gặp hiện nay bao gồm sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận cấp-mạn tính, ung thư thận... Trong đó, suy thận cấp và mạn tính là hai tình trạng rất phổ biến, do biến chứng từ nhiều bệnh lý khác.
Bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn sớm. Do đó, điều quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận. Những người có nguy cơ mắc bệnh thận cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.
Những dấu hiệu bệnh thận như: Chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu dắt…), người mệt mỏi, sút cân, có thể sốt, đau đầu…/.