"Bó gối" về đầu ra

Ngành sư phạm vẫn "bó gối" với bài toán về đầu ra

Đào tạo không biết "ngày mai" cùng bất cập về nơi thực tập, thiếu cơ sở vật chất vẫn là bài toán tìm lời giải của ngành sư phạm nước nhà.
Sáng nay, lãnh đạo các trường sư phạm trên cả nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng ngồi bàn luận tại Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm để cùng thảo luận những vấn đề nổi cộm của ngành. Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đào tạo không biết đầu ra

Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư Tôn Thất Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Sư phạm Huế thẳng thắn cho biết, đào tạo cần theo nhu cầu xã hội nhưng ngành sư phạm lại chưa có điều tra về nhu cầu xã hội. Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Dũng nói: “Không có số liệu nào cho chúng tôi biết trong 5 năm nữa thì ngành Toán cần bao nhiêu giáo viên để chúng tôi xây dựng chỉ tiêu đào tạo.” Theo đó, Giáo sư Dũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một nghiên cứu về vấn đề này, đưa ra những con số cụ thể để các trường chủ động lên kế hoạch tuyển sinh.

Đây cũng là ý kiến của bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Duơng. Bà Công cho biết, hiện ở Hải Dương, số sinh viên ngành sư phạm hàng năm ra trường rất lớn và ở một số môn đã thừa. Có nhiều em rất khá nhưng lại không có chỉ tiêu tuyển dụng là một sự lãng phí cả tiền bạc, công sức đào tạo của các trường, của gia đình và bản thân các em. Trong khi đó một số chuyên ngành lại thiếu như giáo viên thiết bị, cả tỉnh Hải Dương chưa có một giáo viên thiết bị nào có trình độ đại học.

“Việc đào tạo của các trường sư phạm nên có điều tra nhu cầu giáo viên ở mức độ nào, từ đó xem xét lại chỉ tiêu đào tạo,” bà Công nói.

Kiến nghị này của các trường sư phạm đã nhận đuợc sự đồng thuận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm rà soát lại nhân lực của ngành giáo dục như hệ thống giáo viên, cán bộ quản lý, có thể hình thành hệ thống giáo viên mới như giáo viên tư vấn… Trên cơ sở đó, sớm ban hành quy hoạch phát triển nhân lực để có điều chỉnh hợp lý trong đào tạo.

Sinh viên thiếu nơi thực tập

Chỗ thực tập cho sinh viên cũng là một trong những vấn đề lãnh đạo nhiều trường bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục cho biết, hiện chưa có hệ thống trường thực tập nên các trường sư phạm phải nhờ các trường trung học phổ thông. Trong khi đó, lại chưa có quy dịnh nào về trách nhiệm và quyền lợi của cấc trường trung học phổ thông trong việc thực tập. Do đó, các trường này không mấy mặn mà.

Chưa kể, việc thực tập của sinh viên lại dồn vào cùng một đợt, gây áp lực cho các trường phổ thông. Với 133 trường đào tạo sư phạm cùng đi thực tập ở một thời điểm là quá tải. Theo đó, bà Lộc kiến nghị Bộ kéo dài thời gian thực tập trong 10 tháng. “Điều này sẽ làm cho các trường phổ thông thấy rằng sinh viên thực tập là việc bình thường hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của trường chứ không phải chỉ là sự kiện ở một thời điểm nào đó,” bà Lộc nói.

Cùng nói về khó khăn trong thực tập, ông Hoàng Văn Cẩn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những quy định của Bộ về thực tập đã quá cũ và cần phải thay đổi.

Đại học Sư phạm Hà Nội có lẽ là một trong số ít các trường sư phạm có trường thực hành trực thuộc, đó là trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Dưong Minh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, trường thực tập chính là giảng đường thứ 2 bổ sung cho giảng đường trường sư phạm. Ở đó, sinh viên được nhìn thấy những điều mình học áp dụng trong thực tế như thế nào và cũng có thể thấy cả những điều có trong thực tế mà mình chưa được học.

Bên cạnh đó, trường cũng là nơi để thí điểm thực hiện những nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, xây dựng những mô hình học tập.

Vai trò của việc thực tập là không thể phủ nhận nhưng không phải trường sư phạm nào cũng có thể xây dựng trường thực hành riêng như Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm thực tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy hoạch các trường phổ thông trở thành trường thực hành của sư phạm, có quy chế cụ thể để các trường hào hứng đón nhận sinh viên.

Khi sinh viên thực tập, trường sư phạm biết các trường phổ thông đang dạy kiểu gì, còn hạn chế gì để có thể đưa vào chương trình đào tạo ở trường mình, vừa giúp đỡ họ. “Đó là môi trưòng thực tập lý tưỏng, là con đưòng làm cho nghề mình, hệ thống sư phạm mình tốt lên. Hệ thống sư phạm không chỉ bó hẹp trong các trưòng sư phạm,” Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh việc đào tạo thiếu quy hoạch, thiếu nơi thực tập, rất nhiều khó khăn của trường sư phạm đã được nêu lên như chất lượng đầu vào ngày càng giảm sút, chất lượng đào tạo chứng chỉ sư phạm chưa đảm bảo, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, mục tiêu đào tạo giáo viên đã thay đổi trong khi phương pháp và chương trình đào tạo đã cũ…

Có lẽ, quá nhiều vấn đề được đặt ra nên những bài toán của các trường sư phạm vẫn chưa được giải đáp ổn thỏa.

Theo Phó Thủ tuớng Nguyễn Thiện Nhân, các trường sư phạm nên tổ chức hội nghị hàng năm thay vì hai năm một lần như hiện nay. “Không nói mênh mông mà mỗi năm tập trung vào một vài chủ đề thôi. Nên chăng, năm tới hội nghị sư phạm bàn công khai và rà soát triển khai quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm như thế nào để định hưóng về vấn đề đào tạo,” Phó Thủ tưóng nói./.
.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục