Ngành tôm Việt Nam chủ động nhận diện thời cơ, thách thức

Hơn 250 đại biểu tham gia Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tôm," tổ chức chiều 11/12, tại Cà Mau; đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả hội nghị đã cung cấp nhiều giải pháp cho sự phát triển ngành tôm. (Nguồn; Báo Cà Mau)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả hội nghị đã cung cấp nhiều giải pháp cho sự phát triển ngành tôm. (Nguồn; Báo Cà Mau)

Trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, chiều 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tôm."

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân; Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng chủ trì.

Hơn 250 đại biểu là các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành có liên quan; đại diện các ngân hàng; các nhà khoa học; lãnh đạo các viện, trường; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương trong, ngoài tỉnh; các tổ chức phi chính phủ, cùng với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và người nuôi tôm cùng tham dự Hội nghị.

Theo báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ngành tôm toàn cầu năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho thấy sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm nhẹ 0,4% so với năm ngoái. Nhưng theo dự báo, sản lượng tôm sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong nuôi tôm toàn cầu.

Đồng thời, Việt Nam là một trong năm quốc gia sản xuất tôm hàng đầu hiện nay, bên cạnh các nước như Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, đã chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu.

Riêng Cà Mau, vốn là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Những năm qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều năm liền Cà Mau dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối năm 2023 sản lượng tôm nuôi ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhìn nhận tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng phải thừa nhận rằng tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, cụ thể như quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao… nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.

Về vấn đề này, theo đại diện Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân tích, sản xuất tôm toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, thách thức chính là giá cả thị trường, chi phí thức ăn, phòng chống dịch bệnh và chất lượng tôm bố mẹ.

Từ những khó khăn trên, giải pháp được tỉnh Cà Mau đề ra là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hoá hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm của tỉnh. Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao (tôm sinh thái, hữu cơ, có chứng nhận...); giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

pho-chu-tich-ca-mau-le-van-su-9231.jpg
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Báo Cà Mau)

"Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau," ông Lê Văn Sử nêu trọng tâm.

Ông Sử đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua hội nghị này là dịp để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế đã qua; qua đó, đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển ngành tôm Việt Nam nói chung và ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong trong tương lai.

Từ những khó khăn của tỉnh Cà Mau trong phát triển ngành hàng tôm, tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" từ khâu con giống, thức ăn, đến quy trình nuôi tôm, chuỗi giá trị ngành tôm…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà hội nghị mang lại. Nhiều tham luận có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng thực tiễn, bên cạnh đó là nhiều giải pháp cụ thể cũng đã được đưa ra, góp phần tháo gỡ những khó khăn, thách thức của ngành tôm Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Đặc biệt, các giải pháp khoa học công nghệ sẽ vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành hàng tôm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thủy sản cần tổng hợp lại những tham luận này, từ đó cùng người nuôi, nhà khoa học, các địa phương trong nước tìm giải pháp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Thực tế đã chỉ ra, công tác phối hợp vẫn là khâu rất yếu, do đó thời gian tới, trong toàn ngành tôm cần phải đồng bộ khắc phục vấn đề này, vì mục tiêu chung đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục