Ngày 11/8, phát biểu tại Lễ phát động Phong trào đăng ký hiến tặng mô, hiến mô tạng tại Thành phố Hải Phòng, Thầy thuốc Nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam khẳng định các thành tựu trong kỹ thuật ghép tạng phải được gắn chặt với sự đóng góp, nghĩa cử cao cả của những người hiến tạng.
"Chúng ta vinh danh và tri ân những nghĩa cử hết sức nhân văn này và hy vọng việc hiến tặng mô tạng sẽ được lan tỏa rộng trong cộng đồng và xã hội,” Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
[Cô gái 29 tuổi hiến tặng tạng giúp 'hồi sinh' những cuộc đời mới]
Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam cho hay tính đến nay, cả nước đã có hơn 72.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não, tuy nhiên đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng số 100 triệu người Việt Nam. Vì vậy, toàn ngành y tế nói chung và Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam cần đẩy mạnh để có thêm nhiều nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành tựu trong lĩnh vực hiến ghép tạng của ngành y tế Hải Phòng đã làm được trong năm 2023. Đó là 2 ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và 2 ca ghép giác mạc thành công tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng đã đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh. Đây là thành tựu đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế Hải Phòng.
Tại buổi lễ ông Nguyễn Quang Tập - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết để thực hiện kỹ thuật chuyên sâu như kỹ thuật ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã xây dựng Đề án Gói ghép thận với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 3/2021, cử 39 cán bộ đi học tập đào tạo; ban hành Quyết định 616/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não...
Lễ phát động được tổ chức với mục tiêu đoàn kết, thống nhất cùng vận động mọi người dân và xã hội tự nguyện đăng ký hiến và hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau chết não vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh. Theo ông Nguyễn Quang Tập, một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác, việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết vừa qua, đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công hai ca ghép thận, chính thức có tên trong số 25 cơ sở thực hiện việc ghép tạng tại Việt Nam.
Hiện nay, trong số 25 trung tâm ghép tạng trên toàn quốc chỉ có 5 bệnh viện thực ghép tạng thường xuyên mỗi tuần, còn đa phần các cơ sở khác chưa thực hiện được thường xuyên bởi nguyên nhân thiếu nguồn tạng hiến tặng.
Ông Hệ mong muốn Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp sẽ tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép tạng và đẩy mạnh công tác vận động phong trào hiến mô tạng để có nguồn tạng hiến, từ đó đưa kỹ thuật này trở thành hoạt động thường quy, đem lại sức khỏe cho nhiều người dân thành phố.
Theo Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Thành phố Hải Phòng là nơi đầu tiên của Việt Nam thành lập Chi hội Hiến mô tạng, là đơn vị đầu tiên tổ chức tri ân người hiến tặng mô tạng nhân kỷ niệm ngày Hiến tạng thế giới (13/8), cũng là đơn vị thứ 3 của cả nước tổ chức cấp thẻ cho người hiến tạng.
Tại Buổi lễ phát động, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tổ chức tri ân người hiến mô, tạng và trao Kỷ niệm chương cho gia đình người hiến tạng. Ban chấp hành Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Thành phố Hải Phòng tiếp nhận Quyết định thành lập.
Thống kê của Ban tổ chức, tính đến sáng 11/8/2023, tại Hải Phòng có hơn 1.200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Lễ phát động Phong trào đăng ký hiến tặng mô, hiến mô tạng tổ chức tại Thành phố Hải Phòng, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp phối hợp với Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức./.