Sáng 15/9, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo” chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.
Theo chương trình, tại phiên khai mạc, Hội nghị nghe phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu ghi hình của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, phát biểu của các đại biểu gồm Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Duarte Pacheco; Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden; Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong; Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội Trẻ của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
Tiếp đó, Hội nghị nghe phát biểu dẫn đề về tình hình thực hiện các SDGs và vai trò của Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo.
Thời gian còn lại của ngày làm việc dành cho hai phiên thảo luận chuyên đề. Trong đó, phiên thảo luận chuyên đề 1 với chủ đề "Chuyển đổi Số" tập trung vào các vấn đề gồm việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các Nghị sỹ Trẻ nhằm thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.
Nội dung của phiên thảo luận chuyên đề 1 cũng tập trung đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc Chuyển đổi Số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số, kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.
[Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Chung tay vì một thế giới bền vững]
Phiên thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề "Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp" tập trung vào các vấn đề gồm việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tại phiên này, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng," Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược Phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay./.