Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2024: Vinh danh “trái tim Thụy Sỹ” và dự án Nhà May mắn

Nhà May mắn (Maison Chance) và các dự án tương tự do Aline Rebeaud vận hành hơn 20 năm nay đã góp phần gia tăng mái ấm và cơ hội đổi đời cho trẻ em, người yếu thế tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

5Q8A9739.JPG
Giải thưởng GADIF năm nay được trao cho nữ họa sỹ Aline Rebeaud hay Hoàng Nữ Ngọc Tim - người sáng lập Nhà May mắn (Maison Chance). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tối 20/3 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ thực hiện.

Ngày Quốc tế Pháp ngữ diễn ra vào 20/3 hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị cốt lõi trong cộng đồng Pháp ngữ quốc tế đồng thời trao giải thưởng danh dự của Nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF).

Giải thưởng năm nay được trao cho bà Aline Rebeaud hay còn được biết đến với tên tiếng Việt là Hoàng Nữ Ngọc Tim hoặc Tim Aline.

Bà Aline Rebeaud (sinh năm 1972) là một họa sỹ sinh ra tại Thụy Sỹ. Hơn 20 năm trước trong một chuyến khám phá châu Á nhằm tìm cảm hứng sáng tác, bà đã tới Việt Nam và bị rung động trước những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nhỏ.

Bà Aline đã dang tay giúp đỡ nhiều trường hợp. Trong số đó, bà đồng hành với một em nhỏ mồ côi tên Thành để chữa bệnh tim. Ca của Thành vốn nặng, lại không có người thân nên khó khăn chồng khó khăn. Thế nhưng Aline đã kiên trì giúp đỡ để rồi 3 tháng sau, em đã khỏi bệnh. Khi đó, mọi người gọi trìu mến Aline là Tim, với ý nói bà có một trái tim đẹp và nhân từ.

368636288_674512971377350_8376621175780836814_n.jpg
Hình ảnh về Maison Chance và người sáng lập Aline Tim, ảnh đăng tải trên trang Facebook của tổ chức. (Ảnh: Maison Chance)

Năm 1993, nữ họa sỹ thành lập Nhà May mắn (Maison Chance) để cưu mang nhiều thanh-thiếu niên cơ nhỡ. Ban đầu Nhà May mắn vận hành từ tiền bán tranh, về sau Aline đã về nước và đi nhiều nơi khắp thế giới để vận động gây quỹ.

Sau Nhà May mắn, các cơ sở lớn hơn của bà dần được thành lập, như trung tâm Chắp Vá giúp tạo việc làm cho người lao động nghèo gặp tai nạn, Làng May mắn rộng 3.500m2 dành cho người khuyết tật, trẻ em, người lớn có hoàn cảnh đặc biệt có việc làm và nơi cư trú ở các tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông.

Trưởng Phái đoàn Wallonie-Bruxelles kiêm Chủ tịch GADIF - ông Pierre du Ville trao giải cho bà Aline Rebeaud tại lễ kỷ niệm và nhận xét: Sự dấn thân của bà Hoàng Nữ Ngọc Tim tại Việt Nam, vì tinh thần đoàn kết và cùng chung sống, đã hiện ra rất rõ với tất cả những người xung quanh.

“Với giải thưởng GADIF này, chúng tôi hy vọng một lần nữa vinh danh lòng vị tha và đóng góp lớn của bà để xây dựng một thế giới công bằng hơn, nơi không ai bị bỏ quên. Cộng đồng Pháp ngữ là nơi xây dựng nên một gia đình đại đoàn kết, tôn vinh sự tôn trọng và thấu hiểu, tin cậy lẫn nhau,” ông Pierre du Ville nói.

5Q8A9822.JPG
Điệu Xòe Thái được biểu diễn trên sân khấu của Lễ Kỷ niệm nhằm nhấn mạnh về đa dạng văn hóa - một giá trị quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ các vùng và địa phương. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Ngày Quốc tế Pháp ngữ năm nay có chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp.” Theo ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây là dịp để tôn vinh sự sáng tạo và đổi mới trong không gian Pháp ngữ, đặc biệt ở thế hệ trẻ.

Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ được tổ chức tại không gian Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Địa điểm này được chọn nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của đa dạng văn hóa và là biểu tượng mang biểu tượng trong việc hợp tác Pháp ngữ của Việt Nam.

Đây là công trình được cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khánh thành nhân dịp Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội năm 1997. Kỳ hội nghị này đã đánh dấu hướng đi mới, khẳng định vai trò của một tổ chức về hòa bình và phát triển.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt bày tỏ mong muốn trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ tốt đẹp với các thành viên Pháp ngữ để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững, củng cố tiếng nói trên trường quốc tế, thu hút người dân thông qua các hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục