Ngày Sức khỏe thế giới: Khoản đầu tư cho hiện tại và tương lai

Quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị suy giảm khi nguy cơ dịch bệnh gia tăng, thảm họa và xung đột làm tăng tỷ lệ tử vong và tổn thương thể chất, đói kém và áp lực tinh thần.

WHO chọn chủ đề “Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi,” qua đó đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.
WHO chọn chủ đề “Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi,” qua đó đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.

“Sức khỏe tốt không nên là một điều xa xỉ đối với một số ít người. Đó nên là quyền cơ bản cho tất cả mọi người.” Phát biểu của Tiến sỹ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương gợi nhắc một điều khoản trong hiến chương thành lập WHO, nêu rõ sức khỏe là quyền của mỗi người và đây cũng là lời nhắc nhở về thực trạng cần khắc phục, là yêu cầu đặt ra với toàn thế giới trong nỗ lực tiến tới một xã hội khỏe mạnh, hạnh phúc.

Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay, WHO chọn chủ đề “Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi,” qua đó đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đi kèm với các quyền như được giáo dục và thông tin, được hưởng bầu không khí trong sạch, có nguồn nước uống an toàn, dinh dưỡng đầy đủ, nơi ăn chốn ở phù hợp, được đảm bảo việc làm và các điều kiện môi trường tối thiểu cũng như không phải chịu phân biệt đối xử.

Quyền về sức khỏe và các quyền con người khác liên quan đến sức khỏe là những cam kết ràng buộc về mặt pháp lý được ghi trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Hiến chương của WHO cũng công nhận quyền về sức khỏe. Theo đó, mỗi người đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Quyền về sức khỏe không thể tách rời khỏi các quyền con người khác, bao gồm các quyền về giáo dục, tham gia, thực phẩm, nhà ở, việc làm và thông tin. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị suy giảm khi nguy cơ dịch bệnh gia tăng, thảm họa và xung đột làm tăng tỷ lệ tử vong và tổn thương thể chất, đói kém và áp lực tinh thần.

Ngoài ra, môi trường và không khí ngày càng ô nhiễm khiến con người mất đi quyền được hưởng không khí trong sạch. Cứ mỗi 5 giây thế giới lại có 1 người tử vong vì ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.

Theo WHO, ít nhất 140 quốc gia trên thế giới công nhận sức khỏe là một quyền của con người nhưng các nước lại chưa thông qua hoặc áp dụng các điều luật để đảm bảo người dân có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tính đến năm 2021, ít nhất 4,5 tỷ người- hơn 50% dân số thế giới- không nằm trong diện được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản.

Trên thực tế, thế giới từng đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe dân số trên toàn cầu. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm 50%, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm hơn 30%, tỷ lệ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm - bao gồm HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét - giảm xuống, đồng thời nguy cơ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm và chấn thương cũng giảm, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ 67 tuổi vào năm 2000 lên 73 tuổi vào năm 2019.

suc_khoe_the_gioi_0704-2.jpg
Mỗi người đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, hàng loạt thách thức nảy sinh đã và đang cản trở việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 về sức khỏe. Tốc độ giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đều chậm lại, tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm chính cũng giảm chậm.

Ngoài ra, các nỗ lực giảm nguy cơ tiếp xúc với nhiều yếu tố gây tổn hại sức khỏe như sử dụng thuốc lá, nước và vệ sinh không an toàn cũng như nỗ lực cải thiện tình trạng chậm phát triển ở trẻ em dù đều đã đạt tiến bộ nhưng không đủ nhanh, mức độ rủi ro vẫn còn cao.

Tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại, trong đó những nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn có mức độ tiếp cận y tế và các dịch vụ liên quan thấp hơn lại có nguy cơ tiếp xúc với các rủi ro về sức khỏe cao hơn và tỷ lệ tử vong liên quan cao hơn.

Trong khi đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện hoặc tái xuất hiện thì tình trạng kháng kháng sinh (AMR) lại có thể “đánh thức” những mầm bệnh truyền nhiễm trước đây đã được kiểm soát.

Biến đổi khí hậu tiếp tục làm suy giảm các yếu tố môi trường và xã hội quyết định sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra những rủi ro lớn cho tất cả mọi người. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không truyền nhiễm gây ra hằng năm đã tăng lên và chiếm gần 75% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Nếu xu hướng này tiếp tục, tỷ lệ trên sẽ tăng lên khoảng 86% vào năm 2048 - đúng 100 năm thành lập WHO.

Liên hợp quốc dự đoán tổng số ca tử vong hằng năm sẽ lên tới gần 90 triệu trên toàn cầu vào năm 2048. Do đó, 77 triệu trong số này sẽ là tử vong do các bệnh không truyền nhiễm, tăng gần 90% so với năm 2019.

Khu vực Đông-Nam Á cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các nước Đông-Nam Á đã giảm 68,5% tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong giai đoạn 2000-2020. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 84/1.000 ca sinh của năm 2000 xuống còn 29/1.000 ca sinh vào năm 2021 và tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm từ 41/1.000 ca sinh vào năm 2000 xuống còn 17/1.000 ca sinh vào năm 2021. Trong thời gian 2015-2021, số ca nhiễm mới HIV/AIDS giảm 25% và tỷ lệ mắc bệnh sốt rét giảm 62%.

Tuy nhiên, hiện gần 40% người dân trong khu vực không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Đầu tư vào y tế của chính phủ, vốn là nền tảng để nâng cao quyền về sức khỏe, lại rất thấp khiến số tiền người dân phải tự chi trả cao.

vna_potal_thong_diep_ngay_suc_khoe_the_gioi_742024.jpg

Tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ngày càng tăng. Tỷ lệ tử vong do bệnh lao tại Đông-Nam Á năm 2021 tăng 8,6% so với năm 2015. Xác suất tử vong trong độ tuổi từ 30-70 do 4 bệnh chính là bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh hô hấp mãn tính vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được là 21,6 %.

Những người nghèo nhất và các nhóm dễ bị tổn thương phải đối mặt với những rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Có thể thấy rằng "bức tranh" sức khỏe toàn cầu và đảm bảo quyền về sức khỏe cho người dân trên toàn cầu có nhiều mảng sáng, song vẫn còn những góc tối. Trong bối cảnh thế giới đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng đa tầng, dịch bệnh, thảm họa chồng chéo gia tăng cấp độ vì biến đổi khí hậu, việc hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe của con người càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tiến sỹ Saia Ma'u Piukala nhấn mạnh sức khỏe là khoản đầu tư cho hiện tại và tương lai của mỗi quốc gia, bởi đó chính là đầu tư vào con người. Nói cách khác, mục tiêu của chăm sóc sức khỏe chính là tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người, đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục