Lỡ muộn ngày vui

Ngày Thơ nay mở sớm: "Ai về lỡ muộn ngày vui?"

Mỗi năm "hoa đào nở" người thơ có ngày cộng hưởng thi ca. Đây là nơi thi sĩ hội tụ,  thơ và xuân hòa làm một. Và thương nỗi lỡ làng...
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 được khai mạc lúc hơn 9h sáng ngày 5.2 với nhiều hoạt động thú vị như triển lãm 80 năm phong trào Thơ Mới, khai mạc Sân Thơ trăm miền… Ngoài ra, tại đây cũng diễn ra lễ trao giải thưởng văn học 2010-2011 của Hội Nhà văn Việt Nam cho những gương mặt xứng đáng có nhiều đóng góp quý báu tới nền văn học nước nhà.

Lần đầu tiên có sự xuất hiện của Sân Thơ Trăm miền, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 đã thu hút đông đảo người yêu thơ. Đã có ý kiến lo ngại về việc Sân thơ trẻ vốn được quan tâm trong nhiều năm sẽ không có mặt tại ngày hội thơ nhưng xem ra cuối cùng thì người yêu thơ cũng không đến nỗi "về tay không." Ai cũng có được xúc cảm nào đó đón được về cho riêng mình.

Ta hẹn nhé một lần!

Ngay từ 8h sáng, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã nhiều người  yêu thơ tụ về chờ Thơ đăng quang. Điều thú vị là năm nay có nhiều nhà thơ đến từ các quốc gia khác và nhiều bạn trẻ rất hiện đại tham gia nên hội thơ mang nét mới mẻ chứ không chỉ là nơi được coi như hoạt động văn hóa  truyền thống thiên về nghi lễ và chỉ thuộc về những người làm thơ.

Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất vừa diễn ra tại Quảng Ninh với chủ đề: Vì một châu Á Thái Bình Dương hoà bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển có sự tham gia của 81 nhà thơ từ 27 nước và các vùng lãnh thổ cũng tiếp thêm lượng khách quý và hiếm có dịp cho Ngày thơ Việt Nam xuân Nhâm Thìn này.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, thay đổi lớn nhất trong Ngày thơ năm 2012 là hình thức hai sân thơ truyền thống, sân thơ hiện đại như mọi năm sẽ thay bằng hai sân thơ chính là sân thơ truyền thống và sân thơ trăm miền. Hộ thơ lần này vừa kết nối các địa phương vừa nhằm mở rộng sự giao lưu thơ Việt Nam với bạn bè quốc tế, sau Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 đã thu hút hàng vạn người yêu thơ và quý trọng người làm thơ tham dự. Vừa gặp  nhau, nhiều nhà thơ đã có lời chào như hẹn. Khiến một thi sĩ vui đọc luôn câu thơ được mọi người hưởng ứng: "Mỗi năm, ta hẹn nhé một lần."

Các gian thơ tỉnh

Cách tổ chức sân thơ với các gian thơ của Hội Văn học nghệ thuật từng tỉnh cũng làm cho diện mạo ngày hội thơ khác trước. Việc tôn vinh các danh nhân thơ của địa phương làm thêm rạng danh thơ ca Việt Nam. Các gian thơ tỉnh cũng là tụ điểm đến của người yêu thơ mỗi địa phương.

Tại gian thơ của tỉnh Hà Tĩnh có hình ảnh tượng đài Nguyễn Du sừng sững, kế bên là hình ảnh từ đường của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến trong gian thơ Hà Nam. Gian thơ của Hải Phòng sáng tên Nguyễn Bỉnh Khiêm như một niềm kiêu hãnh...

Cứ vậy, mỗi vùng đều chọn danh nhân, tác giả thơ tiêu biểu nổi tiếng trong lịch sử thi ca nước nhà. Có nơi chọn câu thơ viết về địa phương mình căng chính giữa "gian hàng" bày thơ. Rất mênh mông mà để trống nội dung chữ nghĩa, chỉ có phong cảnh và bốn chữ trên phông là gian thơ "Non nước Cao Bằng."

Có thể nói khá khác nhau nhưng việc làm "gian thơ tỉnh" cũng nhận được không ít khen chê. Người thì được vui họp mặt "đồng hương," gặp người chung sở thích thơ ca. Các bạn thơ hỏi thăm, hẹn hò, tay băt mặt mừng thật ấm áp. Nhưng cũng có những người thơ bâng khuâng nhớ mãi không gian thơ từ các "cây thơ" đầy cá tính các mùa thơ trước. Chia nhà thơ theo tỉnh nên chính Hà Nội với 1000 năm văn hiến lại không có nhân vật ấn tượng gì ngoài cái tên và một cặp câu thơ...

Thế rồi sinh ra những lời chê: "Ai lại phân chia miền thơ như cát cứ thi ca, thế thì mất đi tính toàn quốc... " và "sao giống như vào triển lãm" hoặc "dự đấu xảo thơ."

Nhưng rồi cũng như người làm thơ và cả những người yêu thơ rất dễ tự thấy an lòng. Ai cũng biết, quý là quý cái tình với thơ, trọng là trọng sự muốn đổi mới, chống lặp lại. Còn với công tác tổ chức của các thi sĩ thì... "được thế là tốt rồi!"

Băn khoăn Ngày thơ sớm

Ngày thơ lần thứ 10 năm nay có nhiều điểm khác so với các năm trước. Nhưng điểm khác biệt nhất là thời gian diễn ra, ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thìn; tức là trước một ngày so với Hội thơ đã diễn ra 9 năm trước.

Tất cả các nhóm bạn thơ đều có trao đổi về nội dung... ngày thơ mở sớm. Nào là  có nhà thơ đi du xuân xa từ trước không kịp về sáng nay, nào là người thơ ấy được bạn gọi báo mới nhào về, có lẽ quá trưa thì hết hội mất!

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, lý do lấy ngày 14 tháng Giêng là vì theo quan niệm dân gian thì 14 âm lịch đã được coi là rằm, hơn nữa đó là ngày nghỉ-đúng vào chủ nhật nên sẽ có đông đảo người tham dự ngày thơ.

Đã có người phân vân, thành công lớn nhất, đáng ghi nhận nhất sau nhiều năm tổ chức Ngày thơ chính là đã tạo cho công chúng một thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người yêu thơ khi cận kề Nguyên tiêu và thời khắc khai mạc Hội thơ, vậy mà bỗng lại thay đổi.

Ngày thơ Việt Nam, như nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận định là một trong số không nhiều ngày hội của thời đại mới chứ không phải ngày hội truyền thống như đa phần lễ hội ở ta. Một ngày hội của thời đại mới mà đã đi vào nếp, được công chúng đón nhận là một thành công. Thế nhưng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 năm 2012 lại được tổ chức sớm hơn một ngày thì e rằng những người chưa có thông tin  sẽ lỡ mất hội vui, lỗi hẹn bạn bè từ xuân trước.

Có ý kiến cho rằng, đã là một ngày hội hàng năm thì cần diễn ra đều đặn và luân phiên vào tất cả các ngày nghỉ và ngày thường. Sẽ không bao giờ có chuyện, năm nay vào ngày nghỉ thì năm sau và các năm sau nữa đều rơi vào ngày nghỉ. "Thế nên, cứ Rằm mà làm sẽ hơn," một ý kiến được nhiều người trongn hóm bạn bè ở Văn Miếu đồng tình.

Lại còn có người bảo cảm hứng ngày thơ cũng được lấy từ bài "Nguyên Tiêu" của Hồ Chủ Tịch. Nhiều năm nay, bài thơ có câu "Rằm Xuân lồng lộng trăng soi" được ngâm vang trong khai mở Hội thơ, xét ra  ngâm vào năm nay thì sẽ không hợp.

Hòa vào dòng người suốt buổi sáng mùa xuân, phóng viên chúng tôi cảm nhận rằng cuối cùng ai cũng được vui vẻ ít nhiều. Hẳn không thể tránh được những người chưa biết được sự thay đổi nên sẽ bị lỡ muộn. Nhưng dù sao thì buổi sáng thơ rộn ràng, ấm áp đã diễn ra.

Trả lời phóng viên Vietnam+, Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: "Việc tổ chức sớm hơn một ngày cũng không ảnh hưởng quá lớn vì vào ngày Chủ Nhật nên tiện cho mọi người tới tham dự. Nếu vào đúng ngày mai, vào sáng thứ hai, mọi người phaitr đi làm và rồi cũng khó bỏ việc cơ quan vào sáng thứ hai mà đến với Hội thơ."

Cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, trường trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa dẫn đoàn học sinh lớp 12D2 của mình hăm hở tới dự Ngày thơ từ sáng rất sớm. Các trò thi nhau đọc các câu thơ được viết trên cờ đuôi nheo đỏ thắm sắp được thả lên bầu trời xuân...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cứ chạy từ sân Thái Học ra sân Văn Miếu để tiếp khách và nhận những lời chào từ các nhà thơ, bạn bè và cả những người yêu thơ. Cho đến cuối buổi sáng, một số gương mặt tác giả thơ được chờ chưa đến. Cũng ít nhiều gây ra xao xuyến tiếc nuối rằng: "Ngày thơ chưa gặp người thơ."  Song dường như nỗi niềm tiêng tiếc vốn nó đã rất... thơ.

Chả thế mà có người nói, đố ai thấy được một Ngày thơ nào gọi là hoàn hảo. Phải nhớ nhung, tiếc gần xa, buồn  vương vấn và ao ước đến mùa sau, ấy mới thành thơ.

Bỗng đâu câu thơ của Nguyễn Bính được đọc lên trong đám bạn thơ, bạn lòng: "Anh ạ, mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây?"/.
 
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục