Ngày thơ Việt Nam 2014 hướng về biển đảo Tổ quốc

Ngày thơ Xuân Giáp Ngọ đã gợi lên những cảm thức thiêng liêng về chủ quyền biển đảo và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc.

Sắc xanh của lá, sắc vàng của hoa và sắc thắm của những câu thơ in trên lụa đỏ khiến cho ai có mặt ở sân Văn Miếu trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 (diễn ra vào sáng 14/2) cũng thấy “màu dân tộc sáng bừng" nơi đây.

Với những sáng tác hướng về chủ đề “Mùa Xuân đất nước-Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa,” Ngày thơ Xuân Giáp Ngọ đã gợi lên trong lòng người yêu thơ những cảm thức thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc.

Vang vọng hồn sông núi

“Hò dô ta nào.. kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi… vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù/ Kéo pháo ta lên trận địa đây vùi xác quân thù…”

Lời bài hát “Hò kéo pháo” vang lên ở cả sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ, khơi nguồn cho dòng cảm xúc về “Mùa Xuân đất nước-Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa.”

Cả một không gian thơ đã được mở ra đầy trang trọng và rộn ràng. Cảm thức thiêng liêng về chủ quyền biển đảo, lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc cũng những xúc cảm về Mùa Xuân đất nước được gửi gắm qua những vần thơ.

Ngày thơ thu hút đông đảo công chúng tham dự (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12, những vần thơ của Bác được lấy làm chủ đạo và được thể hiện bằng hình thức mới.

"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền." Không gian Văn Miếu như lắng lại. Giọng ngâm hòa cùng màn “múa bút” bài thơ “Nguyên tiêu” thành một bức tranh thư pháp, tạo nên điểm nhấn thú vị cho ngày hội thi ca năm nay.

Cùng với đó, đại diện Hội Văn học Nghệ thuật của bảy tỉnh phía Bắc tham gia trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền như: Hát Then (Lạng Sơn), hát Xoan Ghẹo (Phú Thọ), múa truyền thống của dân tộc Mông (Hà Giang)…

Hướng đôi mắt rạng ngời về phía sân thơ truyền thống, bác Nguyễn Văn Nam (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: Đến hẹn lại lên! Vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, bác đều đưa cháu ngoại đến tham dự ngày hội thơ.

"Đặc biệt, năm nay, Việt Nam kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014). Những vần thơ về chủ đề này sẽ giúp hế hệ trẻ sẽ hiểu hơn và trân trọng hơn những truyền thống, giá trị tinh thần được đúc kết qua bao thế hệ," bác bày tỏ.

Tập thơ "Vé một lượt" của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu tại Ngày thơ Xuân Giáp Ngọ (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nói rồi, bác lặng đi trước những vần thơ về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử...”

Mùa Xuân và tuổi trẻ

"Ngày thơ là nơi truyền thống được hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đa dạng và thống nhất tạo nên phép nhiệm màu phát triển thơ ca dân tộc,” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Với tinh thần hướng về Điện Biên, biển đảo quê hương và ước nguyện thổi bùng khát vọng trẻ, Sân thơ trẻ được dàn dựng với bốn tổ khúc lấy chữ “Xuân” làm nền: “Mùa xuân vỗ cánh,” “Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân,” “Xuân trầm tích” và “Xuân của mẹ.”

Lần đầu tiên, người yêu thơ có dịp được gặp gỡ, giao lưu với nhiều gương mặt mới cùa làng văn, đại diện cho nhiều tỉnh thành trong cả nước: Lương Thìn, Nguyễn Thế Kiên, Lò An Dương (do các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh giới thiệu) và Trương Xuân Thiên, Lê Vĩnh Thái, Lê Vi Thủy (Ban Nhà văn Trẻ giới thiệu).

“Sân thơ Trẻ ở Ngày thơ Xuân Giáp Ngọ là bức tranh đa sắc về đời sống thơ ca trẻ đương đại,” ông Đỗ Hàn, thường trực ban tổ chức chia sẻ.

Qua các kỳ tổ chức, sân thơ Trẻ là nơi góp phần phát hiện và tôn vinh những gương mặt thơ mới, nhiều triển vọng từ lực lượng sáng tác trẻ đông đảo trên khắp cả nước.

Trong khuôn khổ của Ngày thơ Việt Nam năm nay, triển lãm “Nửa thế kỷ thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Mỹ (1964-2014)” được tổ chức, giới thiệu tới công chúng các sáng tác, hiện vật của lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

Triển lãm về các sáng tác, hiện vật của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ (Ảnh: PV/vietnam+)

Lặng đi trước tủ trưng bày những hiện vật (balo, bộ quần áo bộ đội sờn cũ…) Trần Minh Cường (Học viện Cảnh sát Nhân dân) hào hứng chia sẻ: "Thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, thế hệ trẻ phải kiên cường gìn giữ và dựng xây đất nước."

Bên cạnh những xúc cảm sâu lắng mà Ngày thơ mang đến cho công chúng, ngày hội thi ca năm nay cũng để lại đôi điều tiếc nuối cho khán giả, đặc biệt là ở sân thơ Trẻ. Sự thiếu nhịp nhàng của hai người dẫn chương trình, những trục trặc về âm thanh, sự phối hợp thiếu nhuần nhuyễn của các nghệ sỹ, nhà thơ trong các tiết mục trình diễn thơ… đã khiến cho cảm xúc của công chúng bị đứt đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục