Nghệ An: Người dân dưới chân núi Khe Tương lo lắng nguy cơ sạt lở

Vì thiếu kinh phí di dời, 19 hộ với 73 nhân khẩu ở dưới chân núi Khe Tương phải bám trụ, mỗi khi mưa lớn kéo dài họ lại cùng nhau đi xin ở nhờ bởi đất đá có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào.
Nghệ An: Người dân dưới chân núi Khe Tương lo lắng nguy cơ sạt lở ảnh 1Đầu tháng 9, một viên đá lớn rơi xuống khuôn viên Điểm Trường mầm non Tam Hợp tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau đợt mưa lũ năm 2018, ngọn núi Khe Tương, bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường, đất đá ở chân núi trở nên mềm nhũn, phía trên cao, hàng chục tảng đá bị xói gốc có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

Thế nhưng vì thiếu kinh phí di dời, 19 hộ với 73 nhân khẩu ở dưới chân núi phải bám trụ, mỗi khi mưa lớn kéo dài họ lại cùng nhau đi xin ở nhờ bởi đất đá có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào.

Điểm Trường Mầm non Tam Hợp tại bản Xốp Nặm nằm lọt thỏm dưới chân núi Khe Tương cao sừng sững. Chỉ cách đây ít ngày, một phiến đá lớn bất ngờ rơi xuống phá hỏng một phần mái và xô đổ gần chục mét hàng rào của trường.

May mắn vào thời điểm đó nhà trường vẫn chưa bước vào năm học mới nên không xảy ra thiệt hại về người.

Đang dọn dẹp các đồ dùng cần thiết để chuyển về điểm trường mới, kịp bước vào năm học mới, cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Hợp cho biết, xã Tam Hợp có 5 điểm trường mầm non, trong đó điểm trường ở bản Xốp Nặm là điểm chính nên cơ sở vật chất cũng khá khang trang, đây cũng là nơi giáo viên thường tập trung làm việc.

Sau sự việc trên, để đảm bảo tính mạng cho cô và trò, chính quyền địa phương đã quyết định chuyển đến điểm trường bản Văng Môn cách đây hơn 3km. Để đến trường các cháu phải đi xa hơn nhưng để đảm bảo an toàn cho con em nên phụ huynh đều đồng ý.

[Hà Tĩnh: Sạt lở đất làm sập tường nhà, một trẻ em nhập viện]

Ngay cạnh điểm trường mầm non Xốp Nặm còn có 19 hộ dân với 73 nhân khẩu cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao.

Các hộ dân ở đây cho biết, bản Xốp Nặm đã được xây dựng cách đây gần 50 năm, nhưng chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, những đợt mưa lớn liên tục đã khiến cho đất đá dưới chân núi mất kết dính và bắt đầu xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá.

Theo anh Lô Vi Lăng, bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, năm 2020 gia đình anh và một số hộ khác trong bản cũng bị đất đá sạt lở vào nhà. Tuy nhiên, do khối lượng không lớn nên không gây thiệt hại gì nhưng ai cũng rất lo lắng. Cứ đến mùa mưa là như 'ngồi trên đống lửa,' buổi tối cũng không dám ngủ.

Một số hộ có điều kiện hơn thì mua gạch, đá về gia cố bờ tường đề phòng đất đá sạt lở. Bây giờ, cứ mưa một ngày liên tục là các hộ dân ở đây lại cùng nhau di tản sang ở nhờ các gia đình khác chứ không ai dám ở nhà.

Nghệ An: Người dân dưới chân núi Khe Tương lo lắng nguy cơ sạt lở ảnh 2Điểm Trường mầm non Tam Hợp tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp buộc phải đóng cửa vì nguy cơ sạt lở đất đá. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ánh mắt không dấu nổi sự lo lắng khi ngước nhìn lên ngọn núi Khe Tương, ông Viêng Văn Viện, Trưởng bản Xốp Nặm cho biết, vụ việc phiến đá lớn rơi ở điểm trường mầm non tại bản Xốp Nặm hồi đầu tháng 9 vừa rồi không phải là lần đầu tiên.

Trước đó, năm 2018 cũng có một phiến đá rơi xuống làm rách một phần mái tôn của gia đình ông, rất may không ai bị thương. Mặc đã gắn bó ở đây rất lâu nhưng nguyện vọng của bà con bây giờ là sớm được bố trí nơi ở mới an toàn hơn.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Lương Phi Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hợp cho biết, bản Xốp Nặm trải dài theo sườn núi Khe Tương có độ dốc rất lớn.

Qua kiểm tra, cho thấy khu vực phía trên núi Khe Tương có rất nhiều hòn đá “mồ côi” có kích thước lớn, qua thời gian mưa gió xói mòn khiến nguy cơ đá lăn rất cao. Ở dưới chân núi mỗi khi mưa lớn kéo dài là xuất hiện các mạch nước, đất đá mền nhũn mất kết cấu, có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương có phương án di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong thời gian chờ đến nơi ở mới, chính quyền cũng đã tuyên truyền, vận động người dân khi có mưa bão kéo dài thì phải di tản đến nơi an toàn, tuyệt đối không được ở nhà.

Riêng điểm Trường Mầm non bản Xốp Nặm, chính quyền địa phương đã thống nhất di dời toàn bộ cở sở vật chất đến điểm trường khác để các em kịp thời đón năm học mới.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, Tương Dương là huyện miền núi có địa hình phức tạp với nhiều đồi núi, khe suối có độ dốc cao.

Trong khi quỹ đất phù hợp để làm nhà rất ít nên đa số người dân phải làm nhà ở những khu vực sườn đồi có nguy cơ sạt lở rất cao. Trong những năm qua, mặc dù rất khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều gia đình đã được bố trí, sắp xếp về nơi ở mới an toàn.

Cụ thể, từ năm 2014-2020, Nhà nước đã bố trí hơn 208 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho 190 hộ về nơi ở mới. Đối với khu vực sạt lở ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn, trực tiếp kiểm tra khu vực trên và nhận thấy nguy cơ sạt lở đất đá là rất cao.

Huyện đã khảo sát và tìm được địa điểm có thể di dời hộ này đến nơi ở mới, tuy nhiên hiện tại chưa có nguồn kinh phí để bố trí. Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương đã có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, hy vọng thời gian tới các hộ dân sẽ sớm được di dời về nơi an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục