Nghệ sĩ Hồng Hạnh - người ca sĩ có tâm hồn vô tư

Ở nữ ca sĩ Hồng Hạnh hội tụ nhiều yếu tố mà bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn có, sự thành đạt và thanh thản trong cuộc sống.
Nếu tôi không từng biết và từng nghe về Hồng Hạnh từ thập niên 1990, thì thật khó để tin rằng người đàn bà trẻ trung trước mặt tôi chính là chị - “người đàn bà xõa tóc hát tình ca.”

Ở chị hội tụ nhiều yếu tố mà bất cứ người phụ nữ nào cũng muốn có, sự thành đạt và thanh thản trong cuộc sống. Nếu có quyền bình chọn, tôi sẽ không ngại tặng chị danh hiệu “ca sĩ có tâm hồn vô tư” nhất.

Tôi trở lại làng nhạc như một người mới

- Với album "Ngỡ đâu tình đã"... vừa phát hành, chị đã thu được gì?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Tôi có được rất nhiều niềm vui từ lời khen của những nhà chuyên môn, từ những khán giả đã theo dõi tôi suốt mấy mươi năm đi hát và thậm chí cả từ những khán giả hoàn toàn không biết tôi là ai.

Có một hôm nhà tôi có khách. Trong câu chuyện qua lại, một cậu bé khoe là cách đây vài hôm khi truy cập Internet có nghe được một cô ca sĩ “mới” và “trẻ” tên là Hồng Hạnh, hát rất hay. Nghe những lời nhận xét đó, tôi cười suốt cả ngày.

- Hơi tế nhị, nhưng tôi nghĩ với nhận xét đó thì một ca sĩ nên buồn hơn vui vì rõ là tên tuổi của mình không thật sự phổ biến đến rộng rãi công chúng?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Cái đó tùy quan niệm mỗi người thôi. Tôi thích được khen một cách khách quan như thế chứ không phải kiểu khen xã giao rằng vì Hồng Hạnh có tên tuổi từ lâu nên ra album hay. Hơn nữa, 3 năm sau khi bố tôi mất, cú sốc này vẫn ảnh hưởng đến tôi những tưởng tôi không thể nào đứng trên sân khấu để hát được nữa. Nhưng rồi như lửa ca hát trong tim tôi chưa nguội, chính nó đã cho tôi động lực để thực hiện "Ngỡ đâu tình đã"...

Vắng mặt trong làng nhạc lâu như thế, tôi phải chấp nhận sự thật đó thôi. Cứ xem như tôi trở lại làng nhạc như một người mới đi. Cái quan trọng là tôi làm nghệ thuật và được mọi người công nhận.

Chuyện cái bánh mì

- Trước khi gặp chị tôi có nghe nói chị “chảnh” lắm?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Vậy, bạn có cảm nhận được cái “chảnh” của tôi chưa? (Cười!) Tính tôi rất ngại tiếp xúc với người lạ và không thường tụ tập vui chơi như các bạn đồng nghiệp, có lẽ vì tôi bận rộn hơn người khác khi vừa là một doanh nhân vừa là một ca sĩ. Ngày trước, thời mà các ca sĩ còn lọc cọc xe máy chạy “show” thì tôi đã đi ôtô rồi, có lẽ vì lý do đó mà nhiều bạn cũng ngại tiếp xúc với tôi. Lâu dần, họ đồn tôi chảnh.

Còn dạo gần đây tôi cũng “chảnh” ra mặt trong vài chuyện nhưng đều có lý do riêng của nó.

- Xin chị nói rõ hơn về lý do để một ca sĩ “chảnh”...

Ca sĩ Hồng Hạnh: Đó là thời gian khi tôi tham gia phim "Cuộc chiến hoa hồng". Đoàn phim phải quay từ sáng sớm đến tận tối mịt mà đại diện đoàn phim toàn cho diễn viên ăn bánh mì.

Tôi thấy khẩu phần đó không đủ dinh dưỡng không phải chỉ đối với riêng tôi mà cả các diễn viên khác cũng thế. Tôi có đưa ý kiến đề nghị họ quy ra tiền cho từng bữa ăn và tôi tự lo thì được trả lời là: “Chỉ có thế, không chịu thì thôi”.

Tôi không chịu được thái độ đó nên hôm sau cáo bệnh ở nhà, không lên đoàn phim nữa. Cuối cùng thì bên đó cũng phải thay đổi cách làm việc.

Ngày tôi trở lại đoàn phim, có hẳn một nhân viên đoàn phim chạy đến hỏi: “Hôm nay chị ăn gì?”. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả các diễn viên khác sau chuyện đó cũng được đối đãi tương tự.

Không được hát, sẽ không đạt được trạng thái sung mãn

- Sống trong môi trường nghệ thuật phức tạp, bí quyết để chị giữ được sự “vô tư” là gì?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Sự vô tư của những ngày còn trẻ và vô tư của thời điểm hiện tại hoàn toàn khác nhau. Ngày xưa là không biết gì nên “vô tư”, còn bây giờ là đã trải qua nhiều chuyện, gặp nhiều biến cố tôi đã tự “vô tư” để có một cuộc sống thanh thản. Nói như thế không có nghĩa là tôi tự huyễn hoặc mình, mà đơn giản chỉ là tập trung vào những chuyện quan trọng, đáng để chú ý, còn những chuyện khác thì cứ “vô tư” thôi.

Quan trọng nhất đối với tôi là giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với âm nhạc trong tim mình. Tôi rất sợ những ca sĩ hát không vì đam mê, dần dà trở thành những “thợ hát” chuyên “trả bài” trên sân khấu.

- Phải chăng do chị không phải phụ thuộc vào việc ca hát nên mới có được sự vô tư đó?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Tôi không phụ thuộc vào thu nhập từ công việc ca hát. Tôi có công việc kinh doanh của riêng mình để lo cho cuộc sống. Nhưng nếu một ngày không được hát, tinh thần của tôi sẽ không đạt được trạng thái sung mãn nhất để lao vào công việc. Vì thế rốt lại, tôi vẫn là một người hát để sống.

“Công nghiệp giải trí”- làm mãi mà vẫn cứ nghiệp dư

- Chị nghĩ gì về đẳng cấp của mình trong làng nhạc Việt?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Xin đừng hỏi tôi về những từ cao cấp đó. Tôi nghĩ rằng những danh xưng như thế chỉ nên dùng khi chúng ta có được một nền giải trí nói chung và một nền âm nhạc nói riêng thật sự chuyên nghiệp.

- Vậy chị nghĩ gì về trách nhiệm của một ca sĩ trong thời điểm hiện tại?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Chúng ta đã có nhiều năm để phát triển ngành giải trí. So với những nền công nghiệp giải trí của Nhật Bản, Hàn Quốc... chúng ta thật sự chỉ là nghiệp dư. Chúng ta có những giọng hát tốt nhưng lại không có được một bệ đỡ, một công nghệ để đưa họ đến cái tầm xứng đáng. Trong khi đó các ca sĩ lại cứ dễ dàng hài lòng với chính mình để cứ giậm chân tại chỗ.

Họ dễ dàng chiều theo ý chung của khán giả để rồi tự thui chột khả năng sáng tạo, dần dà đi vào lối mòn mà không đem được những cái mới lạ cho khán giả. Họ đã quên đi trách nhiệm “định hướng” của những người làm giải trí.

- Con đường sắp tới của chị là gì?

Ca sĩ Hồng Hạnh: Tôi vẫn sẽ tiếp tục với dòng nhạc blues pha một ít jazz như "Ngỡ đâu tình đã"... Với những phản hồi tốt từ album này, tôi hy vọng có được lượng khán giả riêng của mình và mang đến những dòng chảy âm nhạc mới lạ, làm phong phú nhu cầu giải trí của công chúng.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục