Chiều 13/4, nghệ sỹ sáo quốc tế, tiến sỹ Lê Thư Hương ra mắt đĩa than nhạc Pháp “Le Parys Fantasies” tại Gallery Thăng Long, 41 Hàng Gai, Hà Nội.
Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, thú nghe đĩa than đã trở lại với những người mến mộ âm nhạc. Đã có nhiều nghệ sỹ sản xuất đĩa than và được giới mộ điệu hồ hởi đón nhận. Song, đĩa than của một nghệ sỹ flute thì có lẽ Lê Thư Hương là người đầu tiên. Điều đặc biệt hơn nữa là sản phẩm âm nhạc này được thực hiện hoàn toàn tại Mỹ.
[Mang liệu pháp âm nhạc đến với nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam]
Nghệ sỹ Lê Thư Hương luôn hướng tới phong cách biểu diễn đa dạng và đầy màu sắc biểu cảm trong âm nhạc từ cổ điển đến đương đại, đặc biệt là sự chuyển tải tinh thần âm nhạc phương Đông nói chung hay tinh thần âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng qua sự thể hiện của cây sáo Tây cổ điển (flute).
Yêu thích sự giao thoa giữa các nền văn hoá, Thư Hương đã và đang thực hiện nhiều dự án trao đổi văn hoá giữa Việt Nam và quốc tế thông qua các chương trình hoạt động và biểu diễn âm nhạc. Đĩa than ra mắt hôm nay cũng là minh chứng của nỗ lực đó.
“Le Parys Fantasies” có thời lượng 40 phút, gồm 7 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm quen thuộc với người yêu âm nhạc Việt Nam như: “La fille aux cheveaux de lin” (The girl with the flaxen hair) của Claude Debussy, "Fantasie Brillante" (on Themes from Bizer’s Carmen) của Francois Borne…
Tựa đề album vừa gợi nhớ Paris – Thủ đô nước Pháp, vừa là cách chơi chữ, ẩn dụ cho tên của 2 nghệ sỹ: Lê Thư Hương (sáo) và Marcin Parys (piano). Còn Fantasies là dòng nhạc cổ điển yêu thích của Thư Hương.
“Phòng hòa nhạc tại Mỹ có chất lượng rất cao, nhạc cụ tốt, Marcin Parys là nghệ sỹ piano quốc tế giành rất nhiều giải thưởng… Những yếu tố đó đã tổng hòa tạo nền tảng tốt để tôi toàn tâm toàn ý thực hiện album này,” Thư Hương chia sẻ.
Chị đam mê âm nhạc lãng mạn Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Luận án tiến sỹ của chị cũng là về đề tài này. Nghệ sỹ cho hay album này như một sự khẳng định tình yêu của chị dành cho âm nhạc, cũng là lời lý giải vì sao thể loại âm nhạc này hấp dẫn chị đến thế.
“Dòng nhạc này phù hợp với tôi, nó khoáng đạt và nhiều màu sắc chứ không gò bó, khuôn mẫu như nhạc cổ điển Baroque. May mắn là tôi có điều kiện theo học những nghệ sỹ là học trò của Claude Debussy, Francois Borne… - những người tạo ra trường phái âm nhạc lãng mạn Pháp,” chị chia sẻ.
Nhận xét về tác phẩm này, nhà phê bình Thụy Kha cho hay nghe tiếng sáo của Lê Thư Hương khiến ông có cảm giác như không còn sự thưởng thức nữa, mà như đang nghe một người bạn đang chia sẻ cùng mình những éo le, trắc ẩn của cuộc đời.
“Dù rằng bí quyết chinh phục flute là ở cách nén hơi và đẩy hơi, nhưng đâu phải ai chơi cây sáo này đều có thể thực hiện được. Sự quyến rũ của tiếng sáo này dường như còn cao hơn hơi thở. Nó còn là sự xui khiến của con tim, sự soi sáng của trí tuệ. Bởi thế nó sẽ mở ra thăm thẳm, cao vời với sự thành thực của người nghệ sỹ trong tình yêu không bờ bến với cây sáo nâng ngang môi bằng 10 ngón tay của mình,” ông nhận định./.
Nghệ sỹ Lê Thư Hương tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch, có bằng thạc sỹ âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và bằng tiến sỹ biểu diễn flute tại Trường Đại học Bắc Texas, Mỹ. Hiện chị là giảng viên khoa Kèn Gõ, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và là bè trưởng bè flute của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội. Lê Thư Hương được vinh dự biểu diễn tại Phòng hòa nhạc nổi tiếng Carnegie, New York vào năm 2019 khi đạt Giải nhất Cuộc thi quốc tế American Protégé. |