Nghệ thuật sân khấu đang đặt ra cho những người làm nghề trách nhiệm và thách thức to lớn, đó là phải tìm cách thoát khỏi tình trạng sân khấu đang "mất trắng" khán giả, nhất là sân khấu truyền thống. Nếu không tìm cách giải quyết kịp thời thách thức này, sân khấu truyền thống sẽ có nguy cơ tụt hậu, đứng trước vấn đề tồn vong.
Đó là băn khoăn của các chuyên gia văn hóa, các nhà nghiên cứu và nghệ sỹ được nêu lên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Diễn cho ai xem?
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Trí Trắc thẳng thắn cho rằng nghệ thuật sân khấu hiện nay đầy lúng túng và tồn tại nhiều mâu thuẫn như hằng năm, Nhà nước mở nhiều trại sáng tác thường xuyên nhưng nghệ thuật sân khấu vẫn “nhiều vở yếu, thiếu vở hay;” tổ chức liên hoan, hội diễn, cuộc thi với nhiều huy chương vàng, bạc mà thực tế vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao, có nhiều tác dụng tích cực đối với con người; Nhà nước phong tặng rất nhiều danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà sân khấu vẫn không có khán giả…
“Sân khấu mà không có khán giả thì diễn cho ai xem?” ông đặt câu hỏi.
Nhà nghiên cứu Trần Trí Trắc cho rằng nguyên nhân của hàng loạt mâu thuẫn trên là do trình độ của nhà quản lý bị hạn chế, yếu kém, không có năng lực để thể hiện các nghị quyết đúng đắn của Đảng vào thực tiễn.
Phân tích một số hạn chế, thách thức trong phát triển sân khấu, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho biết hiện nay, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế dày dặn, có vốn sống, giỏi nghề vẫn hết sức thiếu vắng và đang có dấu hiệu "đứt gãy" về sự kế tục.
“Đội ngũ chủ lực, thế hệ vàng của nền văn nghệ Việt Nam, từng được đào tạo tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa đã không còn nhiều. Đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu hiện chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện tiếp cận với những tinh hoa văn học thế giới, do đó, rất hiếm những tài năng xuất chúng trong đội ngũ sáng tạo,” bà Thúy Mùi cho hay.
Lý giải nguyên nhân này, bà Thúy Mùi cho rằng cơ chế chính sách trong hoạt động sáng tác trên lĩnh vực văn nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị định 61 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút văn học nghệ thuật nhưng nhiều nơi không đủ kinh phí để chi trả nhuận bút đúng theo quy định này. Do vậy, không thể có những tác phẩm chất lượng, gây tiếng vang.
“Các đơn vị nghệ thuật địa phương phải sáp nhập vào các trung tâm văn hóa nên nghệ thuật sân khấu có nơi đang bị tha hóa, rơi vào tình trạng nghiệp dư; tính chuyên nghiệp, bản sắc nghệ thuật truyền thống đều bị phai nhạt một cách đáng tiếc,” bà chia sẻ.
Khán giả cũng cần phải "lột xác"
Ông Trần Trí Trắc cho rằng đối với những biểu hiện sốc nổi trong ứng xử văn hóa hiện nay, nếu chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính thì hiệu quả có thể nhanh nhưng không cơ bản và lâu dài.
Ông khẳng định không chỉ nghệ sỹ cần phải “lột xác” để thực hiện được mục đích tối cao là sân khấu phải “nuôi” được nghệ thuật mà khán giả cũng cần phải được đào tạo, nâng cao nhận thức.
“Cần đào tạo hai thành tố quan trọng của nghệ thuật sân khấu là tác giả và khán giả. Nếu hai thành tố này bị thiếu hoặc yếu thì các thành tố khác như đạo diễn, diễn viên, quản lý cũng trở thành vô nghĩa vì ‘không có bột sao gột được nên hồ’?”
Nhà nghiên cứu cho rằng để sân khấu truyền thống dân tộc trường tồn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân, thiện, mỹ thì việc xây dựng và phát triển các thế hệ khán giả mới cho sân khấu truyền thống dân tộc là vô cùng cấp bách.
“Định hướng khán giả cần được coi là công việc có tầm quan trọng hàng đầu bởi vì khán giả luôn tồn tại song hành cùng nghệ thuật sân khấu. Khi xây dựng vở diễn, các tác giả cũng cần định hướng được đối tượng khán giả, phải làm sao để sân khấu trở thành một loại hình nghệ thuật đem lại luồng sinh khí cho khán giả, nâng cao năng lượng tinh thần cho khán giả và có thể tương tác với khán giả,” ông nói.
[Liên hoan kịch nói toàn quốc: Nhà hát kịch Việt Nam có hai vở "Vàng"]
Phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, tán thành quan điểm này. Ông bày tỏ quan ngại rằng phần lớn thế hệ thanh thiếu niên hiện nay quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, coi đó là cổ hủ, lỗi thời.
“Họ dường như không còn khả năng cảm nhận cái hay của những làn điệu dân ca, những vở chèo thấm đượm hồn phách dân tộc. Họ có biết đâu rằng phải đạt đến một bản lĩnh văn hóa nào đó, một trình độ văn hóa nào đó mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp ẩn chứa bên trong mỗi làn điệu,” ông nói.
Do đó, ông cho rằng nếu thị hiếu âm nhạc không được giáo dục, truyền thống nghệ thuật dân tộc không được bảo lưu và phát huy thì hậu quả đương nhiên sẽ là một sự nghèo nàn về tinh thần, một sự mất gốc về văn hóa.
“Như vậy còn nói gì đến bản sắc dân tộc? Để đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, vấn đề trau dồi bản lĩnh văn hóa cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng là vô cùng cần thiết. Nó phải được coi là điều kiện, là tiền đề cho sự giao lưu và phát triển. Thiếu bản lĩnh văn hóa thì nguy cơ sẽ lấn át thời cơ, những giá trị đích thực sẽ không được phát hiện và nuôi dưỡng trong khi những mầm mống tiêu cực lại tự do lây lan, tự do nảy nở mà không được kiềm chế,” ông nói.
“Hiến kế” tại hội nghị, nghệ sỹ nhân dân Thúy Mùi nhắc tới Đề án xây dựng Chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu bằng cách giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong trường học nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu.
Bà cho rằng đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà trong giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo định hướng tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật./.